Ngỡ ngàng
Gặp nhiều người dân trong làng, kể cả những cán bộ của UBND phường, hỏi đến chuyện trồng sen, ai cũng lắc đầu: “Không biết” hoặc “Chuẩn bị lấp đất, làm bê-tông hết rồi, lấy đâu ra đầm, hồ mà trồng sen hả cô?”...
Tôi đem tâm trạng ngỡ ngàng của mình chia sẻ với ông Phùng Văn Thạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông thì được biết: Xưa kia, khi người Chàm là chủ nhân của mảnh đất này, họ lấy đất làm gạch xây tháp, đền thờ... đã tạo thành một vùng trũng rộng, sen mọc lên tự nhiên, tươi tốt, tạo thành xóm Bàu Sen. Trải qua bao biến động của thời gian, đến ngày giải phóng, dân làng lấp đất trồng lúa, Bàu Sen chỉ còn một góc. Năm 2003, thành phố chủ trương cho xây dựng khu dân cư mới, đến nay, Bàu Sen chỉ còn là cái tên được người ta nhắc như một hoài niệm.
Tuy nhiên, qua thời gian, từ một cái lạch nhỏ ven sông cầu Đỏ, Bàu Sen thứ hai được hình thành. Loài sen cao sang mà giản đơn, mộc mạc. “Sen có người thả rồi mọc từ hồi mô đến giờ vậy rồi”. Một người dân thật thà bộc bạch. Nhưng mà, “đất được quy hoạch rồi, dân cũng đã nhận tiền đền bù, nên bàu này cũng sẽ bị lấp trong nay mai thôi”. Thành thử, Bàu Sen 2 cỏ mọc xanh um chen lấn màu hồng thanh khiết.
Sen bị “thất sủng”
Theo chân một thanh niên trong làng, tôi đến nhà ông Ngô Văn Lãng chuyên trồng hoa, cây cảnh. Ông Lãng trồng sen trong chậu, có bán sang Lào, nhưng thực tế: “Ai đặt mua tôi mới trồng, còn lại chủ yếu trồng súng vì súng nhanh cho hoa và có hoa quanh năm nên trồng súng lợi nhuận cao hơn so với sen”. Ông Ông Văn Chờ (một trong 3 hộ ở Hòa Thọ Đông có trồng sen) cũng cười bảo: “Chú chỉ trồng sen chơi thôi, còn công sức và đất đai chủ yếu dành trồng súng và cây cảnh”.
Một cụ bà đang ngồi hóng mát với mấy đứa cháu trên cái chõng gỗ bên Bàu Sen cười móm mém: “Giờ phải tranh thủ, chớ mai mốt lấp hết rồi không có mà ngồi nữa đâu”. Nghe bà cụ nói, tôi hiểu rằng, bà đang cố gắng níu giữ cái “ngày xưa” đang dần vuột khỏi tầm tay, theo sự đổi thay tất yếu của cuộc sống.
Rồi đây, không chỉ sen, mà những lũy tre làng, những gốc cổ thụ, những bông bưởi, hoa nhài… và không riêng Hòa Thọ Đông mà còn nhiều nơi khác buộc nhường chỗ cho những vùng giải tỏa, quy hoạch theo quy luật của sự phát triển. Dẫu biết rằng đô thị hóa là thế, hay việc người nông dân cần đặt lợi nhuận kinh tế lên trước để tồn tại trong cuộc mưu sinh không có gì sai… nhưng sao, cứ thấy nao nao trong lòng?
Bài và ảnh: Trần Thanh Tân