.

Nâng cao mức thụ hưởng văn hóa ở nông thôn

.

Do những hạn chế khách quan, trình độ văn hóa cũng như mức độ thụ hưởng văn hóa của đa số người dân nông thôn thấp hơn hẳn so với thành thị. Làm thế nào để nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của người dân nông thôn, góp phần xây dựng thành phố phát triển vững mạnh, toàn diện. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang về vấn đề này.

Mô tả ảnh.
Một góc Lễ hội đình làng Túy Loan.                             Ảnh: NGỌC HÂN

* P.V: Xin ông cho biết, trong những năm qua, huyện Hòa Vang đã làm gì để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân nơi đây?

 


- Ông Nguyễn Thúc Dũng: Trước hết, phải kể đến việc tập trung khôi phục các giá trị văn hóa-lịch sử truyền thống của địa phương đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân như: Duy trì và khôi phục các lễ hội đình làng; đầu tư xây dựng khôi phục lại nhà gươl cho đồng bào dân tộc Cơtu; tổ chức Ngày hội thể thao-văn hóa dành riêng cho đồng bào… 4 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, 15 di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố được trùng tu, tôn tạo; nhiều di tích khác đang đề nghị đăng ký bảo vệ và công nhận trên địa bàn đã góp phần rất lớn trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng không ngừng phát triển, trong đó, chúng tôi đã duy trì thường xuyên việc tổ chức các hội thi, liên hoan, hội diễn từ cơ sở đến huyện.

Qua đó, từng bước nâng cao đời sống văn hóa trong nhân dân. Việc thành lập và tổ chức hoạt động của đội thông tin lưu động đã tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong nhân dân, được dư luận xã hội đánh giá cao. Những cuốn sách “Văn hóa dân gian Hòa Vang”, sách giới thiệu về lễ hội mục đồng làng Phong Lệ, đĩa CD dân ca hát, và đĩa VCD nhạc mới viết về Hòa Vang lần lượt xuất hiện cũng là nguồn động viên, khích lệ đối với nhân dân trong huyện…


* P.V: Hiện tại, hệ thống Thiết chế văn hóa, thể thao… nơi đây liệu có đáp ứng được nhu cầu của bà con? Hiệu quả hoạt động của các thiết chế này ra sao?


- Ông Nguyễn Thúc Dũng: Trung tâm VHTT huyện Hòa Vang được xây dựng mới và đưa vào sử dụng đầu năm 2010. Giai đoạn 1 đã hoàn thành xây dựng nhà làm việc với quy mô diện tích 1.000m2. Giai đoạn 2, dự kiến sẽ xây dựng nhà thi đấu đa năng và sân vận động, nhưng chưa được triển khai thực hiện. Hiện nay, 11/11 xã trên toàn huyện đã có nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí; 118/118 thôn có nhà họp thôn; 14 sân bóng đá... Các công trình này đều được khai thác hiệu quả cho nhiều mục đích khác nhau như hội họp, biểu diễn văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí...


Hòa Vang có 10/11 điểm Bưu điện-văn hóa xã (xã Hòa Phong chưa có) cùng với hệ thống thư viện gồm 1 thư viện cấp huyện, 4 thư viện xã và 7/118 thôn có phòng đọc sách,  bước đầu đã đáp ứng được một phần nhu cầu tìm hiểu thông tin, học tập và nghiên cứu của người dân. Bên cạnh đó, nhà truyền thống, phòng trưng bày hiện vật cũng được hình thành ở cả cấp huyện và 6/11 xã... Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa trên phân bố chưa đồng đều ở các thôn; cơ sở vật chất, kỹ thuật còn thiếu hoặc bị xuống cấp...do đó, việc phát huy hiệu quả trong việc nâng cao đời sống văn hóa cho người dân chưa được như mong đợi.


* P.V: Theo ông, việc cố gắng đáp ứng những điều kiện vật chất  đóng vai trò như thế nào đối với việc nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của bà con nông dân?


- Ông Nguyễn Thúc Dũng: Về đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa cấp cơ sở là cần thiết, bảo đảm và tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển sự nghiệp văn hóa tại địa phương, thông qua đó nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến bộ máy để vận hành các thiết chế. Vì vậy, đi đôi với công tác đầu tư các thiết chế văn hóa thì các cấp cần ưu tiên về con người quản lý và tổ chức hoạt động phát huy các thiết chế. Ở Hòa Vang, đa số cán bộ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa thiếu trình độ chuyên môn về lĩnh vực này nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa, thể thao tại cơ sở.

Tiếp đó là chuyện quy hoạch và lựa chọn không gian, địa điểm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với cộng đồng (tại các địa điểm thuận lợi và tập trung đông dân cư); quỹ đất dành cho đầu tư cũng cần phải bảo đảm. Khi đã đáp ứng cả điều kiện vật chất và con người, thì việc xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn mới phát triển ổn định, và khi đó, người dân mới được hưởng lợi về chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước!


Thanh Tân  (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.