Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn được chính quyền các cấp và người dân thành phố quan tâm, với mong muốn góp sức mình xây dựng thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại, xanh-sạch-đẹp. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng nếp sống văn minh đô thị là một câu chuyện dài cần phải duy trì thường xuyên và phải làm quyết liệt.
Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, đường phố Đà Nẵng luôn sáng, xanh - sạch - đep. |
Được nhiều...
Sau hơn 5 năm triển khai, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, sự quan tâm phối hợp của các ban, ngành, địa phương và được nhân dân đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, Đề án đã đạt được hiệu quả cao, tạo bước chuyển biến về chiều sâu và có chất lượng. Điều dễ nhìn thấy nhất là sự thay đổi về điều kiện sống của người dân như nhà ở, giao thông đi lại, các dịch vụ điện, nước, vệ sinh môi trường, điều kiện học tập, vui chơi giải trí và khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch – Cơ quan thường trực của Đề án, nhờ có những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động về thực hiện nếp sống văn minh đô thị nên diện mạo thành phố Đà Nẵng đang ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp hơn. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được nâng lên rõ rệt, điều đó được thể hiện thông qua cách ứng xử, giao tiếp nơi công sở, nơi công cộng; tuân thủ các quy định của Nhà nước trong xây dựng và chỉnh trang đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường… Đây được xem là những cái được cơ bản, “cốt lõi” ban đầu để làm cơ sở cho việc tiếp tục xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị trong thời gian đến. Tuy nhiên, bên cạnh những cái được này vẫn tồn tại và xuất hiện không ít những cái chưa được…
...Chưa được cũng còn không ít
Trên thực tế, vẫn có nhiều nơi chính quyền địa phương vận động được người dân tích cực tham gia làm đẹp đô thị, thông qua việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, trật tự, mỹ quan phố phường, nhưng con số địa phương đạt chuẩn văn minh đô thị còn khiêm tốn. Công tác tuyên truyền, giáo dục tuy đã tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhưng ý thức, nhận thức của một bộ phận người dân chưa thật sự đổi mới. Nhiều phong trào, mô hình phát động còn mang nặng tính hình thức, thiếu chiều sâu. Vẫn còn hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, đất công để buôn bán nhỏ, bán hàng rong, đậu đỗ các phương tiện giao thông không đúng nơi quy định, đổ xà bần ở các khu đất trống…
Từ đó gây mất trật tự, cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, có nguy cơ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình trạng in, dán quảng cáo rao vặt trên các cột đèn, cột điện và tường nhà tái xuất hiện trên đường phố ngày càng nhiều. Mặt dù Sở VH-TT&DL đã phối hợp với cơ quan chức năng đưa ra nhiều biện pháp như cắt số điện thoại, xử phạt hành chính đối với những người vi phạm, nhưng vẫn không có hiệu quả. Vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư còn tồn tại một vài khu vực chưa tốt…
Để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tổ chức các mô hình điểm để nhân rộng trong nhân dân. Và quan trọng nhất là phải thực hiện được hai vấn đề cốt lõi: Cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, xử phạt nặng để răn đe những cá nhân vi phạm nhiều lần; tạo điều kiện cho các hộ dân buôn bán mưu sinh nhưng không vi phạm pháp luật. Một khi có sự đồng lòng từ các cấp, các ngành và toàn dân thì cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị mới đạt hiệu quả bền vững.
Bài và ảnh: Ngọc Hân