Vừa qua, Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố tổ chức khai giảng lớp giảng dạy hô hát các làn điệu dân ca Khu 5 cho hạt nhân phong trào văn nghệ cơ sở. Đây là tín hiệu đáng mừng, một cách làm sáng tạo nhằm “giữ lửa” cho dân ca Khu 5 trước các trào lưu âm nhạc mới.
Các nghệ sĩ biểu diễn một trích đoạn dân ca khu 5 tại buổi lễ khai giảng. |
Dân ca là những bài hát do nhân dân sáng tác và trình diễn, mang bản sắc văn hóa truyền thống của từng địa phương, từng tộc người. Cũng như các làn điệu dân ca các địa phương khác, trước đây, dân ca Khu 5 từng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống âm nhạc của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy vậy, cuộc sống hiện đại, với sự thâm nhập của các trào lưu âm nhạc mới đã ảnh hưởng không ít tới thị hiếu và năng lực cảm thụ của giới trẻ, khiến họ trở nên lạ lẫm trước loại hình âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Việc mở lớp giảng dạy hô hát các làn điệu dân ca Khu 5 là một trong những chương trình phối hợp trọng tâm của Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng với Hội Nghệ sĩ Sân khấu nhằm bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca Khu 5 đến với mọi người, nhất là giới trẻ, để từng bước đưa các thế hệ trẻ tiếp cận với những làn điệu dân ca đậm đà, sâu lắng của quê hương. Qua đó giúp họ trân trọng, yêu quý dân ca, góp phần định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc đúng đắn.
Từ chỗ ít biết về dân ca, sau hai tuần học tập, chị Võ Thị Lan Chi, cán bộ Phòng VH-TT quận Cẩm Lệ đã nắm được khái quát về xuất xứ dân ca Việt Nam và các làn điệu dân ca Khu 5. Không dừng lại ở đó, chị Lan Chi còn biết hát và hát hay về các làn điệu như: Hò khoan Quảng Nam, Xàng xê, Cổ bản, Lía phôn, Lía phấu, Hò chèo thuyền, Hò ba lý, Lý thượng, Hò tát nước... Bên cạnh đó, chị Lan Chi còn được các nghệ sĩ hướng dẫn cách lấy giọng cũng như phong cách thể hiện của một làn điệu dân ca. Sau lớp học này, chị Lan Chi cũng như các học viên khác sẽ mang một trọng trách nặng nề - là những hạt nhân để xây dựng và nâng cao chất lượng hô hát dân ca cho phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở.
Đây cũng là mục đích cuối cùng mà lớp học đã đề ra. Ông Nguyễn Trường Hoàng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Đà Nẵng cho biết, các làn điệu dân ca Khu 5 đã từng thấm vào trong máu thịt của người dân xứ Quảng, một thời đã làm lay động biết bao trái tim và rất dễ đi vào lòng mỗi người dân. Thế nhưng, lớp trẻ bây giờ ít biết về dân ca quê nhà, trong khi đó, những nghệ sĩ tên tuổi của một thời, những người giữ lửa cho dân ca Khu 5 ngày càng ít đi do tuổi cao sức yếu. Vì vậy, việc truyền lửa bây giờ là rất cần thiết để từng bước đưa dân ca trở lại.
Để xây dựng được hạt nhân phong trào hô hát dân ca ở các địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy dân ca các vùng miền và dân ca Khu 5, theo nhạc sĩ Trần Hồng, một trong những giáo viên của lớp học, bên cạnh việc thường xuyên mở các lớp dạy hát dân ca thì các địa phương cần tổ chức CLB học hát dân ca, nói chuyện về dân ca theo chuyên đề, tổ chức hội diễn hoặc liên hoan tiếng hát dân ca, trò chơi âm nhạc chuyên về dân ca, tổ chức giao lưu với các nghệ sĩ, nghệ nhân đàn, hát dân ca…
Có thể nói, việc mở lớp giảng dạy hô hát các làn điệu dân ca Khu 5 nhằm hướng đến xây dựng phong trào văn hóa - văn nghệ cơ sở là một hướng đi đúng, là nội dung có ý nghĩa góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển “Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Bài và ảnh: VĂN NỞ