.

Đi tìm ca khúc hay về Đà Nẵng

.
“Ca khúc chính là sự thách thức lâu dài, ca khúc cũng chính là điều khắc nghiệt dai dẳng… Chính ca khúc khiến nhiều nhạc sĩ lão thành khi qua đời không thể nào nhắm mắt (vì chưa có một tác phẩm để đời) và cũng chính ca khúc đã tạo cho một số nhạc sĩ trẻ ngất ngưởng trên đỉnh vinh quang... Đáp số nào cho người sáng tác âm nhạc? Làm thế nào để viết được ca khúc hay?” (*)
Câu hỏi ấy cứ đeo đuổi các nhạc sĩ.

Mô tả ảnh.
Được dàn dựng công phu, ca sĩ giỏi thể hiện... ca khúc sẽ được nâng tầm. Trong ảnh: Ca sĩ Mỹ Tâm biểu diễn tại đêm nhạc kỷ niệm 35 năm giải phóng Đà Nẵng.
Ca khúc hay: có phải “trời cho”?

 “Với hàng trăm ca khúc ra đời từ hơn mười năm qua, trong đó chắc chắn đã có nhiều bài hát hay! Thế nhưng công chúng, nhất là nhân dân Đà Nẵng vẫn đòi hỏi ở nhạc sĩ “Bài hát hay” như một nhu cầu bức thiết. Đó là sự thật” - nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng, người đã viết hàng trăm ca khúc về Đà Nẵng thổ lộ. Tôi hỏi nhạc sĩ: “Ca khúc hay có phải là trời cho như người ta từng nói?. “Ca khúc hay là một điều vô cùng may rủi mà bản thân người nhạc sĩ không thể quyết định tất cả! Nói như thế  mới nghe tưởng như vô lý, nhưng đó lại là một thực tế có lý hoàn toàn”, tác giả ca khúc sôi động “Nhịp điệu thành phố”, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa trả lời.

Đem trao đổi quan niệm này với các nhạc sĩ tên tuổi ở Đà Nẵng, chúng tôi cũng nhận được những phản hồi tương tự. Mặc dù nay đã trên 80 nhưng khi nói chuyện với phóng viên về ca khúc hay cho Đà Nẵng, nhạc sĩ Trương Đình Quang vẫn sôi nổi như được trở lại thời tuổi trẻ của mình: “Đà Nẵng quyết tâm có ca khúc hay lắm chứ, từ những năm 90 Trần Tiến ra, An Thuyên vào, rồi Nguyễn Cường, Đỗ Hồng Quân, Trần Hoàn, Thuận Yến… đều đã có mặt với quyết tâm đi tìm ca khúc hay về thành phố bên sông Hàn này”. Nhân tài quy tụ và cho ra đời “cả trăm bài hát chứ không ít”, chẳng lẽ không có bài hay?

Vậy thì, vì sao đến tận bây giờ Đà Nẵng vẫn miệt mài đi tìm một ca khúc kiểu như “Thành phố hoa phượng đỏ” của Hải Phòng, “Huế thương” của Huế…?

Câu trả lời không đâu xa, bởi “chúng ta thiếu những giọng ca hay (dù Đà Nẵng là nơi khởi đầu của nhiều ngôi sao ca nhạc Việt Nam), chúng ta thiếu các hãng sản xuất băng, đĩa, các trung tâm phát hành, tiêu thụ tác phẩm và quan trọng nhất là chúng ta thiếu sự đầu tư có chiều sâu, và bề rộng... Cụ thể là, từ khi giải phóng đến nay, Đà Nẵng mới chỉ phát hành một đĩa VCD gồm 10 ca khúc về Đà Nẵng được dàn dựng chính quy do các ngôi sao Hồ Quỳnh Hương, Thanh Thanh Huyền, Trọng Tấn… thể hiện, kèm theo khoảng 4 - 5 đĩa CD Audio; hoạt động in ấn các tập nhạc thì quá thưa thớt... Không bao giờ có một ca khúc hay, trở nên hay do tự thân tác phẩm đi đến với công chúng khi thiếu những yếu tố trên”, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng khẳng định.

Tìm lối đi riêng

“Thời buổi khó khăn, mỗi người nên tìm cách xoay chuyển tình thế thay vì chỉ ngồi một chỗ kêu than hay thụ động trông chờ sự tài trợ của Nhà nước, của chính quyền. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm đường để ca khúc đến được với công chúng”. Đó là quan niệm rất tích cực của Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng Trần Ái Nghĩa. Ông dẫn giải: “Ca khúc Nhịp điệu thành phố của tôi cũng gọi là được ghi nhận lắm đấy, nhưng hoàn thành năm 1985 thì đến năm 2000 mới được dàn dựng chính quy. Nếu cứ chờ kiểu đó thì biết đến bao giờ, thành thử mình phải tự vận động”.

Nói là tự vận động nhưng cũng không hề đơn giản, bởi để hòa âm phối khí, thuê ca sĩ… dàn dựng cho được một ca khúc phải tốn mấy chục triệu, điều này nằm ngoài sức lực của mỗi cá nhân nhạc sĩ. Vậy là “chúng tôi cho sáng tác của mình lên mạng thay vì giấu trong hộc bàn; chúng tôi sáng tác cho các địa phương có nhu cầu, nếu thấy được họ sẽ tự bỏ tiền dàn dựng, hay liên kết với các trung tâm truyền hình, họ chịu trách nhiệm dàn dựng, còn mình “dâng” không ca khúc; hoặc lấy tiền được giải thưởng để tái sản xuất tác phẩm…” - nhạc sĩ Ái Nghĩa nói thêm.

Nhiều nhạc sĩ ở Đà Nẵng lại coi việc viết theo đơn đặt hàng là một cách để “lấy ngắn nuôi dài”, để trau dồi nghề nghiệp, tìm động lực sáng tác và cũng là để các nhạc phẩm sau khi thoát thai đến được với công chúng…

Có thể nói, mỗi người một cách, các nhạc sĩ của thành phố trẻ vẫn đang từng ngày nỗ lực, rèn dũa, từng ngày cống hiến để thu hái về những bông hoa ca khúc đẹp, hay về Đà Nẵng… họ cần nhận được sự khích lệ, động viên và ghi nhận của các cấp lãnh đạo, của đông đảo công chúng.

Bài và ảnh: Tân Tân

(*) Trích từ bài viết “Nỗi trăn trở của người sáng tác âm nhạc hiện nay” của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa.
;
.
.
.
.
.