.

Khảo luận “Có 500 năm như thế”: “Là phóng sự bắt nguồn từ một bài báo”

.
“Có 500 năm như thế - Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử” là tên cuốn sách của nhà báo Hồ Trung Tú, vừa được Nhà sách Phương Nam phát hành và ra mắt tại Đà Nẵng cách đây không lâu. Từ khi ra đời, tác phẩm đã tạo được dư luận đáng kể. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với tác giả Hồ Trung Tú về những vấn đề xung quanh cuốn sách mới này.

Mô tả ảnh.
Bìa sách “Có 500 năm như thế” của tác giả Hồ Trung Tú
* P.V: Duyên cớ để anh nảy sinh ý định viết “Có 500 năm như thế”?  Là một nhà báo, trong quá trình viết, anh sẽ gặp những thuận lợi, khó khăn riêng?

- Nhà báo Hồ Trung Tú: Tôi là một nhà báo, không phải là nhà nghiên cứu. Điều này vừa là thuận lợi mà dĩ nhiên phần khó khăn là không kể xiết. Thuận lợi là không để mình bị trói buộc vào các chuẩn mực chuyên môn. Có thể nhiều nhà nghiên cứu đã cảm nhận thấy vấn đề nhưng không thể bắt tay vào làm vì như đã nói, nguồn tư liệu rất hạn chế. Thêm nữa, tiếp cận đề tài mới thấy nó cần một nghiên cứu liên ngành. Chỉ một người nghiệp dư, amatơ như tôi mới đủ cái sự liều để lao vào một đề tài vô cùng khó này. Xét cho cùng đây vẫn là một phóng sự của một nhà báo. Các thao tác tôi thực hiện không khác thao tác của một phóng viên viết phóng sự điều tra. Và hơn nữa, nó thực sự bắt đầu từ một bài báo.
 
Đó là năm 1998, khi Mỹ Sơn làm kỷ niệm 100 năm phát hiện Mỹ Sơn, tôi đã viết một bài báo và vô tình đã có những cảm nhận rằng hình như một phần ông bà tổ tiên mình chính là những người Chăm làm nên Mỹ Sơn này. Ngay sau đó tôi đã dần nhận ra mình mà không làm sẽ không ai làm cả, các nhà nghiên cứu tập trung nhiều ở hai đầu đất nước, miền Trung như một vùng lõm trong nghiên cứu xã hội học; hơn nữa, đây là những băn khoăn về thân phận, về chính nguồn gốc cha mẹ mình, ví dụ như giọng nói người Quảng Nam, nó cần được lý giải một cách thấu đáo. Và thế là tôi lao vào tìm kiếm tư liệu. Tất cả cũng chỉ là những tư liệu cơ bản, không có gì mới, vấn đề chỉ là với góc nhìn mới chúng ta sẽ có cách khai thác tư liệu mới. Và sau khi công bố, tôi rất vui khi thấy quan điểm này được chấp nhận nhanh chóng. Không dễ gì ở Quảng Nam khi bảo một ai đó có nguồn gốc từ người Chăm!

* P.V: Hiện nay, dư luận về “Có 500 năm như thế” phần lớn hoan nghênh tác phẩm của anh, nhưng bên cạnh đó cũng có một số ý kiến tỏ ra “không vừa lòng” về tính “cảm tính của tác phẩm”, “về sự phủ nhận văn hóa Chăm” (phần cuối)... có người cho đó là sự “non kém” trong việc đọc và cảm tác phẩm, anh có thể lý giải?

- Nhà báo Hồ Trung Tú: Không dễ gì bảo một ai đó có tổ tiên không phải là người có cội nguồn từ phía Bắc đã vào Nam theo Lê Thánh Tông bình Chiêm và ở lại. Nếp nghĩ này đã ăn sâu vào nhận thức phần lớn chúng ta và thật khó đổi. Thậm chí, với đa số chúng ta những gì thuộc về Chămpa, Chiêm Thành, Chàm, Hời đều bí ẩn, đáng sợ. Sợ đến mức con trẻ thường được nghe dặn có thấy vàng Hời cũng không được nhặt. Nay bảo người Hời ấy chính là ông bà tổ tiên họ, tôi biết là điều không hề đơn giản. Sau rất nhiều những chứng minh, tôi đã hạ bút viết câu: “Vậy hà cớ gì chúng ta không thể nói một câu thật to rằng Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại chứ không phải của vương quốc Chămpa đã bị diệt vong ?
 
Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải là của một nền văn minh bị biến mất như trong các tờ rơi thường ghi!”. Khi viết vậy tôi đã nhắm đến sự phản tỉnh với khả năng gây xốc với người Việt. Thế nhưng rất không ngờ là một số bạn người Chăm lại bảo tôi vơ quàng Mỹ Sơn là của người Việt, và thậm chí có những lời nặng nề theo kiểu thực dân văn hóa. Theo tôi đó là báo động giả, lo một nỗi lo không có thật. Mỹ Sơn là của người Chăm - đó là sự thật không ai có thể thay đổi được. Vấn đề là người Việt, cụ thể là người Quảng, người Đàng Trong cần phải nhìn nó bằng con mắt khác. Nó thực sự là một phản tỉnh cần thiết. Vậy thôi. Vấn đề thực ra cũng không đáng để bàn, tôi nghĩ vậy.

* P.V:  Không ít người đề cao “giá trị gợi mở” của “Có 500 năm như thế”, với 10 năm đầu tư cho cuốn sách ắt hẳn anh đã tích lũy được một pho khá dày về  tư liệu và kinh nghiệm nghiên cứu. Anh có định tiếp tục những công trình sâu hơn?

- Nhà báo Hồ Trung Tú: Nhiều người hỏi tôi có làm tiếp nữa hay không, thực lòng tôi không muốn làm thêm nhưng xem ra có nhiều điều cũng sẽ như suy nghĩ cũ, mình không làm thì sẽ không ai làm cả, nên có khi tôi sẽ cố, nhưng thực sự lúc này thì chưa có dự định gì cả.

Thanh Tân (Thực hiện)
;
.
.
.
.
.