“Cơ thể có sao không?” - “Hôm nay đừng miễn cưỡng bản thân nhé” - “Anh, trễ mất” - “Em quan trọng hơn nên bây giờ so với chuyện khác anh càng muốn làm vậy”… Tắt đèn… Hơ hơ! Đồ háo sắc!... (*)
Trẻ em ngày nay thích đọc truyện tranh qua mạng hơn là đến tiệm thuê truyện vì sự “thông thoáng” của các trang thông tin điện tử. Trong ảnh: Tiệm thuê truyện vắng vẻ hơn ngày xưa.
|
Khó thể hình dung đoạn đối thoại trên đây nằm trong một cuốn truyện tranh dành cho lứa tuổi học trò. Từ đầu đến cuối truyện, không gì khác hơn là những hình ảnh “tung quần áo” và câu nói “yêu đương” trần trụi thuộc loại “cấm trẻ em”. Vậy mà loại truyện này vẫn ngang nhiên lưu hành. Điều đáng nói hơn cả, đây không phải là sách “vô chủ”, mà có nhà xuất bản và nhóm người chịu trách nhiệm xuất bản hẳn hoi.
Trẻ em đang bị đầu độc bởi những người được cho là… văn hóa nhất vì chính họ trực tiếp làm ra các sản phẩm “văn hóa”.
“Lầm to” với truyện tranh
Có thể bắt gặp đầy rẫy cảnh “khóa môi” trong Gió xuân, tập 3, NXB Thanh Hóa. |
Dạo một vòng quanh các tiệm cho thuê truyện mới thấy, những loại truyện tranh dành cho trẻ em hiện nay đã bớt “hiền” đi nhiều. Với những ai một thời mê chú mèo máy thông minh Doremon hay là “thần dân” của Manga (truyện tranh Nhật Bản), thì giờ đây chỉ còn cách đổi khẩu vị qua Manhwa (truyện tranh Hàn Quốc), bởi sự xâm chiếm thị trường và tích cực khai thác đề tài mới lạ, hấp dẫn của người bạn xứ Hàn. Ông Đoàn, một người có 17 năm trong nghề cho thuê truyện tranh trên đường Yên Bái cho biết: “Nói chung truyện tranh bây giờ được cái hài hài và lấy mấy nội dung phim truyền hình tình cảm rồi “vẽ” lại thôi, không còn hay như hồi xưa nữa. Nhưng chuyện tâm lý xã hội kiểu này lại rất được học sinh cấp 2, 3 ưa thích”. Cũng vì sự “táo bạo” này mà truyện Hàn Quốc đang chiếm ưu thế và lấn át cả truyện tranh Việt Nam. Ông Đoàn nói: “Truyện tranh thuần Việt chỉ quanh quẩn với Thần đồng đất Việt, Trạng Quỳnh, Trạng Quỷnh. Mà cứ đi đi lại lại từng ấy nội dung nên khó cạnh tranh với truyện ngoại được”.
Theo những chủ tiệm cho thuê truyện, trước đây, một số loại “quá lố” về tình dục như “Nhà trọ hoàn hảo” đã bị cấm. Còn lại cái nào hơi “người lớn” nhưng chưa bị liệt vào danh sách đen thì họ vẫn cho thuê theo yêu cầu của khách hàng. Phần lớn chủ tiệm có biết qua nội dung sách, nhưng việc họ thấy lợi hay hại không quan trọng bằng chuyện khách hàng có chuộng loại sách đó hay không.
Tuy truyện tranh lên sạp rầm rộ, nhưng mức độ và khả năng “phủ sóng” đã bị tụt hậu quá nhiều so với Internet. Đó cũng là lý do chính khiến học trò ngày nay thích đọc truyện tranh qua mạng nhiều hơn vì sự nhanh nhạy và “thoáng” về mọi mặt…
Truyện tranh “đen” tràn ngập
Cách đây 3 năm, Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT) có văn bản yêu cầu các NXB rà soát đăng ký kế hoạch xuất bản truyện tranh dịch của nước ngoài, không triển khai xuất bản tiếp các đề tài không có bản quyền, nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến tính giáo dục, thẩm mỹ của lứa tuổi thanh-thiếu niên.
Sách in bị hạn chế, các fan chuyển sang đọc trên net bởi chúng được phát tán rộng rãi lại không tốn tiền thuê hay mua truyện. Bên cạnh đó, những truyện không lưu hành trên thị trường cũng dễ dàng được tìm thấy trên mạng. Thư viện khổng lồ ấy tạo điều kiện để giới trẻ tha hồ lựa chọn, say sưa thế giới của những nhân vật hình họa. Ngoài ra các trang mạng đều có diễn đàn để bạn trẻ bình luận mà không sợ ba mẹ hay thầy cô kiểm soát. Rất nhiều truyện trên mạng được liệt kê với những cảnh nóng vẽ cận cảnh và rất chi tiết hình ảnh các cô gái trong trang phục “nóng” và phô diễn cơ thể gợi cảm. Rất nhiều bộ truyện được các cư dân mạng tìm đọc như Futari Ecchi, Onegai Teacher, Dragon girl, Anime, Shounen, Seinen, Hentai… đều có phần nội dung không lành mạnh.
Nếu nói phần lớn truyện tranh đều đầu độc giới trẻ là không chính xác. Vì có chọn lọc kỹ, độc giả vẫn sở hữu những cuốn truyện bổ ích. Nhưng với cái cách “thả nổi” công tác phát hành, xuất bản các văn hóa phẩm dành cho trẻ em như hiện nay, thì nguy cơ trẻ bị tiêm nhiễm thói hư, tật xấu là điều có thể thấy trước mắt.
Thử gõ từ khóa để tìm những loại truyện tranh “không trẻ con”, chúng ta lập tức nhận được trên 3 triệu kết quả! Điều này đã minh chứng cho sự bất lực của cơ quan kiểm soát…
Hoàng Nhung - Thu Hoa
Kỳ II: Cơ quan chức năng và phụ huynh nói gì về các truyện tranh có nội dung không lành mạnh.
(*) Trích trong cuốn Gió xuân, tập 3, Nhà xuất bản Thanh Hóa. Thực hiện: Lý Liên. Chịu trách nhiệm xuất bản: Giám đốc-Bùi Cao Tiêu; Biên tập-Xuân Loan; Bìa và trình bày-Lý Liên; Sửa bản in-Xuân Loan. Giấy ĐKKH số 57-2008/-CXB/238-113-ThaH,QĐXB ngày 9-1-2008.