.

“Áo trắng” lên sàn - Kỳ cuối: Nước mắt tuổi học trò

.
Dù không biết Truyện Kiều là của ai, Chinh Phụ Ngâm của tác giả nào nhưng khá nhiều các em tuổi teen  Đà Thành đã thuộc lòng các cái tên như: New P. Đ, F., TV .C, L. V… Và đằng sau những cuộc lên sàn, đi “bay” đó là những kết cục buồn.

vu-trg.jpg
Để kiếm tiền đi chơi, Trương Văn Hảo (SN 1993) trú tổ 52, phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng đã cướp tài sản của học sinh.
 
Một đêm-một đời…

Qua một người quen, tôi có dịp gặp D, làm vệ sĩ lâu năm trong vũ trường. Vừa nhả khói thuốc, D. vừa bộc bạch: “Đến vũ trường, quán bar hiện nay, có đến 80% là giới trẻ “chịu chơi” và hầu hết đều dùng chất kích thích. Chúng cũng phân chia tầng lớp, thứ bậc hẳn hoi và thường đi theo từng nhóm 5 - 6 người. Con đại gia “thứ thiệt” thì cách ăn mặc, tiêu tiền cũng khác, có khi một đêm “boa” vài triệu đồng. Còn những đứa không nhiều tiền nhưng học đòi ra vẻ ăn chơi thì vào chỉ dám uống Heineken, chân mang… dép lê trông rất buồn cười”.

Với giới trẻ hiện nay, chưa đặt chân đến vũ trường là chưa chịu chơi, “sành điệu”. Để có tiền chơi một đêm, đắm mình trong ánh đèn mờ ảo, nhiều bạn đã phải trả giá khá đắt bằng chính cuộc đời mình. Lê Thị H., một cựu học viên Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 kể lại lần đầu tiên bị bạn bè rủ rê đến vũ trường giải sầu. “Tuổi trẻ mà chị, em bị cuốn hút ngay trong cuộc vui nên ban đầu chỉ định ngồi uống nước, nhảy nhót, sau thì “cắn” thuốc lúc nào không hay. Người ta đâu trả tiền cho mình mãi được, những lần sau, không dứt được, em phải đi kiếm tiền rồi sa vào con đường xấu, phải nghỉ học…” - H. hồi tưởng trong niềm day dứt. Trong các quán bar, vũ trường hiện nay, nếu 10 bàn thì có đến 6 - 7 bàn dùng thuốc lắc, đá, ke... Một số vũ trường, quán bar được nhiều giới trẻ chọn lựa hiện nay là: New P.Đ, L.V, TV .C…
 
Đây cũng là nơi “làm ăn” mạnh của các em cave từ nhiều nơi khác đến. Sự sôi động, gái đẹp… đã khiến nhiều cậu thanh niên còn đang ngồi trên ghế nhà trường không dứt được hấp dẫn, “thử một lần cho biết” và bị “dính” HIV/AIDS lúc nào không hay.

Những vụ xô xát, cãi vã, đánh nhau là “chuyện thường ngày” ở các vũ trường, quán bar. Có khi chỉ là đụng chạm nhau trong lúc nhảy, rồi giành gái đẹp… Còn nhớ ngày 11-5 vừa qua, Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Tấn Huy (SN 1985, trú tổ 12, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) và Phan Gia Lợi (SN 1975, trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) mức án tử hình về hành vi giết người. 8 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 7 - 15 năm tù giam về hành vi giết người. Nguyên nhân là trong lúc khiêu vũ tại quán bar cà-phê nhạc trẻ No.1 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), do giẫm chân nhau nên xảy ra xô xát giữa hai nhóm thanh niên và dẫn đến hậu quả đau lòng.

Có nên cấm?

Theo số liệu mới nhất từ Đội Kiểm tra liên ngành thành phố Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có 1 vũ trường và 10 quán bar có quy mô tương đối lớn và có 4 cơ sở được hoạt động đến 2 giờ sáng là: New P. Đ, TV .C, S., V. Club. Một thực tế đáng buồn là một bộ phận giới trẻ ngày nay đang thờ ơ với những thú vui lành mạnh như học ngoại ngữ, chơi thể thao, đi picnic… mà đắm mình trong vũ trường, quán bar. Có em đêm nào cũng “góp mặt” tại các địa điểm này để “đốt tiền” nhằm thể hiện “bản lĩnh” và “đẳng cấp”(?). Cái giá trị ảo này khiến họ có thể trả vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi đêm để được vỗ ngực tự hào ta đây sành điệu. Lối sống thực dụng, buông thả đang phổ biến ở một bộ phận giới trẻ. Tại những nơi mà “tiền là tiên là phật”, khẳng định giá trị bằng đồng tiền thì mọi giá trị thật khác đều trở nên méo mó. Để chạy theo lợi nhuận, các chủ quán đã biến vũ trường, quán bar trở thành nơi ăn chơi thác loạn và bước thêm một bước là sa vào ma túy, HIV/AIDS… đối với lớp trẻ.

Các đợt thanh tra, kiểm tra tại các vũ trường, quán bar, massage, karaoke… của Đội Kiểm tra liên ngành thành phố đã nhiều, việc xử phạt cũng… không ít nhưng các tệ nạn xã hội trá hình trong vũ trường, quán bar vẫn không giảm. Nhiều người cho rằng nên cấm trẻ em dưới 18 tuổi vào sàn nhảy, cấm các hoạt động khêu gợi kích dục trong vũ trường… Tuy nhiên, để làm được điều này không phải dễ. Tiến sĩ tâm lý học Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, nhận định: “8x, 9x đang là lứa tuổi mà trong các em có sự biến đổi mạnh mẽ về tâm, sinh lý, đặc biệt là luôn muốn nổi loạn, muốn khẳng định cái Tôi. Vì vậy, các em rất dễ “bập” vào những cám dỗ, tệ nạn xã hội tại các quán bar, vũ trường. Do vậy, nhà trường, gia đình và xã hội cần chung tay giúp các em vượt qua những giai đoạn khó khăn, hướng chúng đến những thú vui lành mạnh, biết tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy hơn là cấm đoán bởi càng cấm thì càng dễ tò mò”.

Bài và ảnh: Phương Trà
;
.
.
.
.
.