.

Cần khơi dậy tình yêu nghệ thuật sân khấu dân tộc

.
Quảng Nam và Đà Nẵng được xem là cái nôi của nghệ thuật tuồng độc đáo và giàu tính bác học từ sau thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật sân khấu vẫn luôn đồng hành cùng đất nước, quê hương.
 
Mô tả ảnh.
Đoàn ca kịch Quảng Nam biểu diễn vở “Thủ Thiệm ở chợ Được” nhân kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
 
Trong lúc khó khăn, ác liệt nhất của chiến tranh, sân khấu vẫn tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, nghệ thuật sân khấu dân tộc đang trong tình trạng “đứt mạch” kết nối với khán giả.NSND Trọng Khôi, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã từng tâm sự rằng: Nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã, đang trong thời kỳ bất ổn định và bất ổn này sẽ còn tiếp tục kéo dài. Công chúng yêu nghệ thuật sân khấu thưa vắng dần nếu không muốn nói là khán giả gần như đã quay lưng lại với các nhà hát. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, vô tuyến truyền hình đã co hẹp sức lôi cuốn của nghệ thuật sân khấu. Đặc biệt hơn là nghệ thuật sân khấu dân tộc đang trong tình trạng “đứt mạch” kết nối với khán giả đương đại.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là các thế hệ trẻ hiện nay hầu như không được trang bị kiến thức về nghệ thuật sân khấu dân tộc như Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối… Thật khó tìm ra những thanh niên thông thạo múa chèo, hát tuồng cổ, cải lương… Trong khi đó, tuổi trẻ thường “tự hào” về sở thích say mê nhạc trẻ, vũ đạo đường phố, luyện tập Aerobic và quốc tế vũ.

Điều quan trọng để khôi phục và duy trì nghệ thuật sân khấu dân tộc hiện nay vẫn là yếu tố con người và con người của tương lai chính là lớp trẻ. Nên chăng, cần phải định hướng, giáo dục cho lớp trẻ ngày nay lòng yêu nghệ thuật sân khấu. Bên cạnh đó, chúng ta cần nỗ lực hướng dẫn, xây dựng một tầng lớp yêu mến nghệ thuật sân khấu dân tộc trong tương lai.

Một trong những giải pháp để thực hiện được mục tiêu trên là cần khơi dậy tình yêu nghệ thuật sân khấu dân tộc trong học sinh, sinh viên ngay tại các nhà trường, thông qua những tiết học cụ thể; xuất bản, giới thiệu những trích đoạn mẫu mực của sân khấu Việt Nam và thế giới trong sách giáo khoa; dành riêng kênh truyền hình phổ biến kiến thức nghệ thuật sân khấu một cách thường xuyên… Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách, quản lý nghệ thuật quan tâm hơn đến lĩnh vực này. Đó sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật sân khấu dân tộc trong giao lưu và hội nhập quốc tế.

Theo Nghệ sĩ Trần Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thành phố Đà Nẵng: Kinh phí luôn là trở ngại lớn cho các hoạt động của ngành, đồng thời kịch bản sân khấu cũng đang là một vấn đề nan giải, bởi đội ngũ sáng tác sân khấu chưa tiếp cận nhiều và sâu sắc trước những đề tài và nhân vật điển hình mới trong đời sống hiện nay. Vì vậy, rất khó khăn trong công tác dàn dựng tác phẩm sân khấu để biểu diễn phục vụ nhân dân.

Đời sống phê bình văn học - nghệ thuật lâu nay hầu như đã tắt, cần phải được khôi phục, hoạt động có hiệu quả, đem lại những định hướng đúng đắn cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu. Để làm được điều đó, theo NSND Trọng Khôi: Đảng và Nhà nước cần có những định hướng, chủ trương, chính sách mới trước sự bùng nổ của những phát minh về khoa học và kỹ thuật, để đáp ứng mọi nhu cầu về nghệ thuật sân khấu. Mọi sáng tạo của người nghệ sĩ cần được sự hỗ trợ toàn diện của Đảng và Nhà nước. Người nghệ sĩ cần sự ủng hộ, tạo ra một mảnh đất sáng tạo mới. Đó là sự tiếp sức, khai thông của các nhà hoạch định chính sách đối với nghệ thuật sân khấu của Việt Nam. Đây còn là trách nhiệm nặng nề không phải của riêng ai - NSND Trọng Khôi nhấn mạnh.

Bài và ảnh: VĂN NỞ
;
.
.
.
.
.