Với động tác đơn giản vui nhộn, múa dân vũ có thể giúp một người xa lạ hòa vào đám đông, kết tình bè bạn. Múa dân vũ được kỳ vọng là sân chơi mới cho giới trẻ Đà thành.
Một điệu múa dân vũ được các bạn trẻ Đà Nẵng yêu thích luyện tập. |
Dân vũ nói một cách dễ hiểu chính là những vũ điệu đơn giản, vui tươi mô tả những hoạt động sinh hoạt gần gũi hằng ngày của người dân. Dân vũ có mặt ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa lâu nhưng có sức thu hút mạnh mẽ, nhất là với giới trẻ. Các điệu dân vũ quốc tế du nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, ảnh hưởng mạnh từ những đợt giao lưu với thanh niên các nước. Những điệu nhảy như: “Vũ điệu chicken-dance” (Anh), “Con nòng nọc” (Hàn Quốc), “Nhảy gối” (Nhật Bản), “Múa chào” (Malaysia), “Vũ hội té nước” (Thái Lan), Chu chu wa (Tây Ban Nha), Rasa Sayang (Malaysia)... giờ đây đã không còn xa lạ với nhiều bạn trẻ. Việt Nam có bài múa dân vũ là “Uy Vũ” nhưng phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.
Tại thành phố Đà Nẵng, múa dân vũ trước nay chủ yếu được dùng trong các đợt rèn luyện học kỳ quân đội. Nó như những đợt mưa rào tưới mát và làm sinh động những buổi tập luyện khắc nghiệt, khiến các bạn nhỏ cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Dân vũ còn được phổ biến trong nhóm các bạn trẻ yêu thích cái mới và bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trong các buổi sinh hoạt tập thể hay dã ngoại, đốt lửa trại…
Bạn Trần Thị Ánh Ly (22 tuổi, làm việc tại nhà hàng Golden Phoenix), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu học viên Reach, chia sẻ: “Trước đây em là người rất rụt rè, ngại ngùng trước đám đông. Giờ đây, tham gia các điệu múa dân vũ mà các cơ quan, đoàn thể tổ chức, em thực sự bị cuốn hút, không còn cảm giác e ngại nữa và thấy hòa đồng với mọi người hơn”. Ly cho biết, bạn sẽ tập luyện và sưu tầm nhiều hơn các điệu múa dân vũ để về phổ biến cho các thành viên trong câu lạc bộ vào những dịp sinh hoạt hằng tháng. Không chỉ giới trẻ, một khi đã nắm tay nhau bước trong các điệu múa, nhảy của dân vũ, tất cả mọi người già, trẻ đều cảm thấy thích thú và say mê.
Nhiều lần tham gia trong các điệu múa dân vũ, Trung úy Nguyễn Huy Dũng, D172, Vùng C Hải quân, cảm nhận: “Tham gia các điệu múa dân vũ, mọi buồn phiền trong cuộc sống của mình và các bạn khác dường như cũng tan biến. Sau mỗi lần tham gia, mình lại làm quen thêm được nhiều bạn mới. Mình mong ngày càng có nhiều đợt tập huấn về dân vũ để các điệu nhảy này được phổ biến hơn, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn”. Theo anh Dũng, càng nhiều người tham gia lại càng vui và “lửa” nhiệt huyết cũng nhiều hơn. Một bài dân vũ đẹp không phải chỉ do một người nhảy hay mà là hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người cùng nhảy, nhảy bằng cả tấm lòng. Qua các điệu múa dân vũ, người nhảy còn biết thêm những nét văn hóa của từng vùng miền, của mỗi dân tộc.
Tuy nhiên, những bài dân vũ “made in Việt Nam” không nhiều nên chủ yếu vẫn múa những bài dân vũ quốc tế dù ngay trong những buổi giao lưu với các nước. Những điệu dân vũ của người Thái Tây Bắc (miền Bắc) hay Khơ Me (miền Nam)... đã có từ lâu đời và rất thú vị, tuy nhiên lại chỉ gói gọn trong phạm vi nhỏ hẹp của một dân tộc. Nên chăng có sự sưu tầm, sáng tác, truyền bá rộng rãi hơn nữa nhằm khai thác các nét đẹp văn hóa trong đời sống dân tộc để có thể giới thiệu các điệu dân vũ Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Bài và ảnh: KIM NGÂN