Trong bức tranh xám màu của sân khấu cả nước, sân khấu Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu nhằm giữ lửa cho bộ môn nghệ thuật này đồng hành cùng đất nước, quê hương.
Điểm nhấn cho sân khấu Đà Nẵng
Thực trạng của sân khấu Đà Nẵng và cả nước đang là nỗi băn khoăn, trăn trở của không chỉ những người làm sân khấu. Song, để tìm được một giải pháp, một hướng đi phù hợp đưa đời sống sàn diễn ra khỏi tình trạng trầm lắng như hiện nay, lại là điều không dễ. Tuy nhiên, vượt qua những giai đoạn khó khăn, được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo thành phố, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tạo nên điểm nhấn cho sân khấu Đà Nẵng.
Đến nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã không ngừng phát triển, trở thành một trong những đơn vị nghệ thuật sân khấu dân tộc mạnh của cả nước. Nhà hát đã có nơi biểu diễn riêng khang trang ngay trung tâm thành phố; đã khai thác và lưu giữ được vốn tuồng cổ đồ sộ và đặc sắc cũng như dàn dựng được một số vở mới có chất lượng, có mặt ở nhiều nơi trong và ngoài thành phố, ở nước ngoài, và gần đây nhà hát đã thường xuyên đỏ đèn hằng đêm phục vụ khách du lịch, nhờ đó mà người xem tuồng ngày càng đông hơn. Nghệ thuật tuồng cũng đã đến được với các em học sinh qua chương trình sân khấu học đường. Lớp diễn viên trẻ của nhà hát được đào tạo qua các lớp trung cấp, cao đẳng ngày càng theo kịp lớp đàn anh, đàn chị, nhiều em rất có triển vọng. Tham gia các hội diễn nghệ thuật sân khấu dân tộc, nhà hát đã giành được nhiều giải thưởng cao. Tại Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc năm 2011, tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, nhà hát đã gặt hái được những thành công vang dội, dẫn đầu các đơn vị tham gia.
Trong cả quá trình hoạt động, chuyên ngành sân khấu đến nay đã có 5 người được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Đó là các lão nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Phẩm và nghệ sĩ Trần Đình Sanh. Mười sáu người được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhà nghiên cứu, giáo sư Hoàng Châu Ký được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật.
Còn đó những đam mê
Cùng với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, trong những năm qua, mặc dù số hội viên sáng tác rất ít, tuổi đã cao, nhưng cũng đã cần cù, nhiệt tình, tâm huyết với công việc nghiên cứu, sưu tầm, viết kịch bản sân khấu. Có những tác phẩm đã được dàn dựng, được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (NSSKVN) xét tặng giải hằng năm như: Bàn tay thọ tội, Thanh gươm truyền thống của GS Hoàng Châu Ký; Đất thì thầm, giải thưởng Hội NSSKVN (2007); Tôi, cô, chúng mình và hắn của Hồ Hải Học được Hội NSSKVN trao giải C (2008). Đạo diễn Vĩnh Huế sáng tác vở tuồng Sóng ngầm trong phủ chúa; đạo diễn Phan Thị Thu Loan với kịch bản Trên đỉnh Chư Rây, Lời nguyền, Bão rừng, Bến mê đã được Hội NSSKVN tặng giải B.
Trong công tác sưu tầm, nhạc sĩ Trương Đình Quang đã xuất bản tập Âm nhạc Bài chòi, bài Tai nghe trống chiến trống chầu và một số bài viết lý luận sân khấu. Nhạc sĩ Trần Hồng xuất bản tập Nhạc đàn kịch dân ca được Hội NSSK Việt Nam tặng giải thưởng; sách Mặt tuồng của Nguyễn Vĩnh Huế…
Trong số gần 40 hội viên hiện nay thì lực lượng chủ yếu vẫn là diễn viên, nhạc công của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Với tài năng và tâm huyết, họ đã đem về cho ngành sân khấu thành phố một số giải thưởng đáng khích lệ. Họ đã tham gia các vai diễn chính trong vở Lý Công Uẩn, tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP. Vinh; xây dựng vở Kiều Quốc Sĩ và Vụ án thâm cung, nâng cao tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến và Mỵ Châu - Trọng Thủy, Chị Ngộ. Trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc khu vực miền Trung, vở Sóng ngầm trong phủ chúa của Nguyễn Vĩnh Huế đoạt giải A; vở Lửa trong tim, chuyển thể từ kịch bản cùng tên của Hồ Hải Học đoạt giải B… Nhiều nghệ sĩ, diễn viên được trao huy chương tại các cuộc thi và hội diễn…
Với những kết quả đạt được dù không nhiều, song đó cũng đủ để khẳng định sự cố gắng rất lớn của những người làm sân khấu trong giai đoạn sân khấu dân tộc đang bị “lép vế” như hiện nay.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN