Nhà nước quyết định chọn ngày 12 tháng 8 âm lịch hằng năm làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Đây thực sự là niềm vinh dự và tự hào đối với tất cả anh chị em hoạt động nghệ thuật sân khấu, từ tác giả, đạo diễn, diễn viên cùng những thành phần sáng tạo khác đến các nhà quản lý, tổ chức biểu diễn, hậu đài, v.v…
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh diễn vở Dời đô, Huy chương bạc LHSK toàn quốc tại Đà Nẵng năm 2010. Ảnh: Ông Văn Sinh |
Quảng Nam, Đà Nẵng được xem là “cái nôi” của nghệ thuật Tuồng độc đáo, giàu tính bác học. Từ nửa sau thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, vùng đất này đã có những gánh hát Tuồng nổi tiếng. Vùng đất này đã sản sinh và nuôi dưỡng một lớp nghệ sĩ xuất chúng, nổi danh trong cả nước như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Phẩm, Văn Phước Khôi, v.v…, những soạn giả, những nhà nghiên cứu Tuồng như Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Ký, v.v… Đặc biệt là sự xuất hiện của một nhà hoạt động nghệ thuật Tuồng lỗi lạc, đó là ông tuần An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh. Ông là một soạn giả với nhiều tác phẩm để đời, người đã có công lớn phát triển nghệ thuật đỉnh cao này, xây dựng rạp hát tuồng đầu tiên ở An Quán quê ông, góp phần quan trọng đào tạo nên lớp nghệ sĩ tài năng cho bộ môn nghệ thuật này.
Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, hầu hết các nghệ sĩ Tuồng nổi tiếng trước đó đều tham gia kháng chiến, phục vụ cách mạng. Trong điều kiện khó khăn gian, khổ của chiến tranh, trước yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn quyết định, năm 1952, Khu ủy Khu 5 giao cho nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký đứng ra thành lập Đoàn Tuồng Liên khu 5. Đoàn đã được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng giải phóng Nam Trung Bộ chào đón nồng nhiệt. Nhiều vở diễn của Đoàn đều lấy đề tài từ cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Đặc biệt vở “Chị Ngộ” của tác giả Nguyễn Lai đã thành công vang dội. Vở diễn đã khắc họa nên hình ảnh bất khuất của người cán bộ cách mạng, đồng thời lên án tội ác của kẻ thù, nêu cao lòng yêu nước và chí căm thù giặc sâu sắc. Diễn ở đâu, cho ai xem, “Chị Ngộ” cũng tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ từ khán giả.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, Đoàn Tuồng Liên Khu 5 tập kết ra miền Bắc. Được sự quan tâm, chăm sóc cùa Đảng và Nhà nước, Đoàn đã trưởng thành nhanh chóng.
Đoàn Tuồng Liên Khu 5 đã trở thành nơi bảo tồn và phát triển vốn nghệ thuật Tuồng truyền thống quý báu, nơi đào tạo nên lớp nghệ sĩ trẻ tài năng và là nơi để các tên tuổi lớn phát huy vốn nghề của mình.
Ở miền Nam Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng trở nên ác liệt. Hoạt động sân khấu phát triển nhanh chóng cùng sự phát triển của cách mạng. Nhận rõ sức mạnh to lớn của văn học-nghệ thuật trong việc giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, giữa lúc Mỹ - Diệm ra sức đàn áp cách mạng bằng các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, bằng Luật 10-59 thì tại vùng căn cứ huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang), tỉnh Quảng Nam, năm 1960, Đoàn Văn công giải phóng miền Tây Quảng Đà được thành lập.
Sau đồng khởi, vùng giải phóng của hai tỉnh Quảng Đà và Quảng Nam ngày càng được mở rộng. Khí thế cách mạng dâng cao. Trước yêu cầu mới của cách mạng, cuối năm 1963, tại căn cứ trên sông A Vương, Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Đà được thành lập và tháng 9 năm 1964 Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Quảng Nam ra đời. Ba năm sau, năm 1967, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập Đoàn Tuồng Giải phóng. Xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước là nơi Đoàn khai sinh với vở Tuồng “Trần Bình Trọng”. Với phương châm vừa phục vụ vừa củng cố xây dựng, tuy trang thiết bị ban đầu còn hết sức nghèo nàn, các đoàn đã có mặt khắp các vùng giải phóng trong tỉnh và nhiều lần diễn ở ngay ven thị trấn, khu dồn, lôi kéo cả một số lính Sài Gòn lẻn ra xem. Chương trình biểu diễn của các đoàn văn công giải phóng ngoài ca múa, tấu còn có các vở diễn sân khấu, nhiều vở được người xem yêu thích phải diễn đi diễn lại nhiều lần như “Đâu có giặc là ta cứ đi” của Nguyễn Vũ, “Đội kịch chim chèo bẻo” của Nguyễn Văn Niêm, “Một mạng người” của Đào Hồng Cẩm, “Ba cha con”, “Bà mẹ Gò Nổi” của Phan Ngạn, v.v…
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, trên đường đi biểu diễn nhiều anh chị em đã hy sinh, bị thương tật, bị địch bắt, nhưng tất cả đều không hề nao núng. Ngày 24 tháng 1 năm 1968, Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Đà gánh chịu một tổn thất nặng nề. Trong khi đang khẩn trương tập luyện tại xã Điện Hồng, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, để chuẩn bị phục vụ cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân thì một loạt bom tọa độ ném trúng ngay đội hình. Mười ba cán bộ, diễn viên hy sinh, trong đó có nhạc sĩ Văn Cận, mười lăm anh chị em khác bị thương. Nén đau thương, thay vai, xốc lại đội hình, chỉ một tuần sau, khi cuộc tổng tấn công lịch sử sắp bắt đầu, Đoàn đã lên đường đi phục vụ chiến trường.
Trong những năm chiến tranh, đã có 31 cán bộ, diễn viên của Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Đà, 17 cán bộ, diễn viên của Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam và 6 cán bộ, diễn viên Đoàn Tuồng Giải phóng Quảng Nam đã anh dũng hy sinh.
Ở thành phố Đà Nẵng, sào huyệt của kẻ thù, có thể nói rằng trong cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của thanh niên, học sinh, ca hát và diễn kịch đã trở thành một vũ khí sắc bén.
Kịch “Trưng Vương” diễn ở Trường Bồ Đề năm 1968. Trường ca “Trang sử mới” của Phạm Thế Mỹ phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình, ngợi ca tương lai của đất nước. Năm 1971, vở “Tiếng gọi Lam Sơn” của Trần Quang Long với sự tham gia của gần bốn mươi diễn viên là học sinh của nhiều trường trong thành phố, được tổ chức công diễn hai đêm liền tại sân chùa Tỉnh giáo hội. Đây là hoạt động sân khấu lớn, tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong quần chúng, làm cho kẻ địch hết sức bối rối mà không thể đàn áp được. Cùng với phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Những đêm không ngủ”, các hoạt động sân khấu lúc bấy giờ đã góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh chung vì độc lập, tự do, vì dân sinh, dân chủ.
Ngày 29-3-1975, quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng được giải phóng, mở ra những thời cơ mới, thuận lợi mới cho văn học-nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật sân khấu phát triển. Trong những năm đầu sau giải phóng, Đà Nẵng có đến sáu đoàn nghệ thuật sân khấu. Đó là Đoàn Ca kịch bài chòi do hai Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Đà và Quảng Nam hợp nhất sau khi hai tỉnh sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Đoàn nghệ thuật Tuồng Trung Trung Bộ mà tiền thân là Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam. Đoàn Tuồng Phương Nam do một số nghệ sĩ tuồng ở Đà Nẵng bỏ nghề từ lâu dưới chế độ cũ, nay mừng giải phóng, tập hợp nhau lại mà thành. Sau một thời gian hoạt động, đoàn Phương Nam sáp nhập cùng Đoàn tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng, bổ sung cho đoàn một số nghệ sĩ có tài năng. Ba đoàn cải lương tư nhân từ phía Nam ra đang diễn kiếm sống ở Đà Nẵng thì giải phóng.
Cả bầu đoàn thê tử trên 200 người quyết định ở lại Đà Nẵng. Đó là các đoàn Lý Hương Thu, Bảo Toàn và Túy Nguyệt. Nhiệm vụ đặt ra lúc bấy giờ là nhanh chóng xây dựng các đoàn Nhà nước vững mạnh, đồng thời tiến hành cải tạo, sắp xếp lại các đoàn tư nhân, hướng cho họ dần dần đi vào sân khấu cách mạng, có ý thức đem lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân. Đối với ba đoàn cải lương tư nhân, chúng ta tiến hành cải tạo với nhiều bước đi thích hợp, đạt hiệu quả tốt. Từ ba đoàn, chúng ta đã chọn lọc, sắp xếp thành hai đoàn, Đoàn Cải lương Sông Hàn 1 và Đoàn Cải lương Sông Hàn 2. Bầu chủ, diễn viên được học tập chính trị, chuyên môn, xác định rõ trách nhiệm phục vụ xã hội của người nghệ sĩ. Tháng 6 năm 1978, hai đoàn được sáp nhập thành Đoàn Cải lương tập thể Sông Hàn. Với dàn kịch mục mới, diễn viên được nâng cao chất lượng nghệ thuật, diễn nghiêm túc, có nghề, Đoàn đã được công chúng trong cả nước đón nhận nồng nhiệt. Bình quân mỗi năm Đoàn diễn hơn ba trăm buổi, có năm đến bốn trăm buổi. Đoàn Nghệ thuật cải lương Sông Hàn được cả nước xem là thành quả tiêu biểu, đầy sức thuyết phục của chính sách cải tạo nghệ thuật đầy tính nhân văn của Nhà nước.
Bên cạnh lớp diễn viên từng lăn lộn trong kháng chiến, một đội ngũ diễn viên mới được tuyển chọn và đào tạo, bổ sung cho các đoàn. Nhiều tác giả có tên tuổi đã được mời về địa phương sáng tác, nhiều đạo diễn nổi tiếng trong cả nước đã tham gia dàn dựng tiết mục cho các đoàn cùng với các tác giả, đạo diễn ở địa phương từng nhiều năm gắn bó với các đoàn. Đây là một trong những tác động quan trọng giúp các đoàn trưởng thành nhanh chóng về mặt nghệ thuật. Đặc biệt, các nghệ sĩ Tuồng bậc thầy Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi cùng các nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký, Nguyễn Văn Bằng tập kết ra miền Bắc năm nào nay đã về lại quê hương, chung tay góp sức dạy bảo, truyền nghề cho lớp trẻ, phục hồi và bảo tồn vốn tuồng cổ quý giá. Ban nghiên cứu Tuồng được thành lập. Hai hội thảo khoa học cấp quốc gia về danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh đã đánh giá khá toàn diện những đóng góp to lớn của ông và tôn vinh ông là nhà hoạt động Tuồng lỗi lạc.
Công cuộc lao động xây dựng quê hương ngày càng khẩn trương sôi động, đòi hỏi phải kịp thời ngợi ca những con người mới, phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, nhất là lớp trẻ. Làm tốt việc này là thế mạnh của nghệ thuật kịch nói. Chính vì thế, năm 1982, Đoàn Kịch nói Quảng Nam-Đà Nẵng được thành lập, vừa biểu diễn, vừa xây dựng được một dàn kịch mục khá phong phú và đã đi biểu diễn ở nhiều địa phương trong nước cũng như tham gia các hội diễn toàn quốc. Băn khoăn tiếng Quảng Nam có diễn được kịch nói hay không đã có câu trả lời từ phía khán giả…
Có thể nói đây là thời kỳ hoàng kim của sân khấu Quảng Nam-Đà Nẵng. Bốn đoàn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp có mặt ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh, phục vụ có hiệu quả các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương. Nhiều đoàn nghệ thuật của Trung ương và các tỉnh bạn liên tục đến biểu diễn. Người xem Đà Nẵng được các đơn vị nghệ thuật đánh giá là những khán giả lý tưởng, nhất là đối với bộ môn kịch nói.
Cuối những năm 80, khi đất nước chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, Bộ Văn hóa-Thông tin chủ trương, các địa phương chỉ giữ lại các đoàn sân khấu dân tộc được Nhà nước tài trợ, còn các đơn vị khác phải tự nuôi sống mình, lấy thu bù chi. Do kinh phí eo hẹp, biên chế bị cắt giảm mạnh, nên năm 1992 chúng ta phải giải thể Đoàn Kịch nói, đồng thời đưa Đoàn Cải lương tập thể Sông Hàn quay trở lại hình thức dân doanh. Tuy nhiên, trong bức tranh màu xám đó cũng ngời lên một điểm sáng. Theo đề nghị của Sở Văn hóa-Thông tin, năm 1992, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng quyết định thành lập Nhà hát Tuồng với nòng cốt là Đoàn Nghệ thuật tuồng. Đây là việc làm cần thiết nhằm tạo điều kiện để bảo tồn vốn nghệ thuật quý báu, đào tạo, bồi dưỡng lớp nghệ sĩ kế cận, tiếp tục đưa nghệ thuật tuồng đến với khán giả, nhất là với lớp trẻ.
Nhu cầu văn hóa, yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân thành phố Đà Nẵng ngày càng cao. Tuy nhiên, sân khấu thành phố đang thiếu sự hấp dẫn, sôi động, đơn điệu về loại hình khi chỉ có mỗi nghệ thuật Tuồng và đang thiếu vắng những nghệ sĩ thật tài năng, trang thiết bị vẫn còn lạc hậu, đời sống diễn viên còn nhiều khó khăn… Nhưng, những người hoạt động sân khấu tin tưởng rằng, với lòng yêu nghề tha thiết, với trách nhiệm cao cả của người nghệ sĩ đem nghệ thuật phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố, nghệ thuật sân khấu Đà Nẵng luôn đồng hành cùng đất nước, quê hương.