.

Chân dung 4 đội quốc tế dự DIFC 2012

.

(ĐNĐT) - Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012 (DIFC 2012) quy tụ 4 đội vô địch trong 4 lần thi trước cùng đội chủ nhà Đà Nẵng - Việt Nam, hứa hẹn những màn trình diễn đặc sắc.

Đà Nẵng Điện tử giới thiệu chân dung 4 đội quốc tế tham gia DIFC 2012, diễn ra trong hai đêm 29 và 30-4.

Đội Ý (Công ty Parente): Vô địch DIFC 2011

Với lịch sử hơn 100 năm, truyền thống và bí quyết kinh doanh của công ty Parente được truyền từ đời này sang đời khác cho đến ngày nay. Luôn học tập từ quá khứ và hướng về tương lai là mục tiêu của công ty.

Y.jpg
Màn trình diễn của đội Ý tại DIFC 2011. Ảnh: ĐNĐT

Cái tên “Parente Firework” bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19, khi người đứng đầu gia tộc, ông Romualdo Parente, giành hết đam mê cho pháo hoa và quyết định bắt đầu sự nghiệp pháo hoa ngay tại nơi ông sinh sống. Gia đình Parente sống tại miền Đông Nam nước Ý, nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Hoạt động kinh doanh của gia đình ông nhanh chóng hướng đến dàn dựng các màn pháo hoa trong các dịp lễ mang màu sắc tôn giáo.

Nhà máy sản xuất pháo hoa đầu tiên ở đây được xây dựng vào đầu những năm 1900, chuyên sản xuất và dàn dựng các màn pháo hoa nhỏ trình diễn tại quảng trường của thành phố. Sau một thời gian ngắn bị gián đoạn sản xuất do Chiến tranh Thế giới thứ I, ông Romualdo bắt đầu lại sự nghiệp cùng với sự hỗ trợ của con trai mình và xây dựng nên một trong những nhà máy sản xuất pháo hoa lớn nhất nước Ý. Trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II, nhà máy lại một lần nữa phải đóng cửa, tuy nhiên, đã tái hoạt động với công suất tối đa vào năm 1946.

Sự trung thành với lý tưởng dựa trên tinh thần đoàn kết là yếu tố tiên quyết giúp công ty đối mặt với khó khăn để đạt được những mục tiêu tưởng chừng như không thể và thậm chí không ai dám nghĩ tới việc có thể đi đến đích cuối cùng.

Vào năm 1951, Antonio, một trong những người con trai của Romualdo rời bỏ miền Nam nước Ý và chuyển tới Melara, một thị trấn Đông Bắc Ý với truyền thống làm pháo hoa. Ông nhanh chóng thiết lập mối quan hệ với các nhà sản xuất pháo hoa tại địa phương để thực hiện các màn trình diễn pháo hoa cho đến năm 1955. Một năm sau đó, cùng với hai con trai của mình, Antonio thành lập một nhà máy mới do chính mình làm chủ trên diện tích đất 3000 m2 với 4 phân xưởng sản xuất.

Sau quá trình phát triển và mở rộng, thành quả đạt được là khu vực sản xuất hiện nay vào khoảng 100.000 m2 bao gồm nhiều công trình phụ trợ như kho bãi chứa thiết bị và phương tiện, khoảng 20 phân xưởng sản xuất và 16 nhà kho đạt chất lượng để chứa cả pháo hoa và thuốc súng.

Đội Pháp (Công ty Jacques Couturier Organisation): Vô địch DIFC 2010

Thành lập vào năm 1998, dưới sự dẫn dắt của người sáng lập Jacques Couturier, acques Couturier Organisation (JCO) đã thổi một làn gió mới trong làng pháo hoa quốc tế bằng những công nghệ mới dựa trên sự kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc, ánh sáng và những hiệu ứng pháo hoa đẳng cấp.

Phap.jpg
Màn trình diễn của đội Pháp tại DIFC 2010

JCO luôn luôn tạo ra những dấu ấn riêng của mình trong các màn trình diễn pháo hoa truyền thống đây chất thơ bằng cách ứng dụng tất cả các ứng dụng mới nhất của công nghệ thông tin, góp phần làm nổi bật từng sự kiện mà JCO góp mặt.

Đội Trung Quốc (Tập đoàn Liuyang Dancing): Vô địch DIFC 2009

Tập đoàn pháo hoa Liuyang Dancing do ông Zhong Ziqi thành lập vào năm 1996, nằm tại thành phố quê hương của pháo hoa, bên dòng sông Liuyang xinh đẹp.

Liuyang Dancing sở hữu 300 ha đất và trên một ngàn tòa nhà với diện tích làm việc là 8.000 m2, bao gồm một viện nghiên cứu, nhà máy sản xuất pháo, xưởng đóng gói, công ty phụ trách thương mại và quảng bá, và một công ty chuyên về nghệ thuật trình diễn.

TQ.jpg
Màn trình diễn của đội Trung Quốc tại DIFC 2009

Đây là một trong những tập đoàn pháo hoa lớn nhất thế giới. Tổng giá trị sở hữu của Liuyang Dancing là 30.000.000 nhân dân tệ, và doanh thu hằng năm đạt 110.000.000 nhân dân tệ trong năm 2005.

Tư vấn kỹ thuật của tập đoàn là ông Li Zhongqi, người được mệnh danh là bậc thầy nghệ thuật pháo hoa của Trung Quốc và được đất nước đặc biệt ghi nhận những đóng góp to lớn của ông. Tập đoàn còn có đội ngũ nhân viên với 200 chuyên gia kỹ thuật và hơn 1000 công nhân lành nghề. Liuyang Dancing đã đạt được chứng chỉ chất lượng ISO 9001 vào năm 2002. Ngoài trình diễn pháo hoa, tập đoàn còn cung cấp các dịch vụ tư vấn sản xuất và thiết kế trình diễn pháo hoa vào các dịp lễ tết khác nhau.

Chính khẩu hiệu “Thực tiễn, Trung thành, Phát triển và Đổi mới” đã phản ánh được danh tiếng của tập đoàn. Liuyang Dancing tự hào được khách hàng trên khắp thế giới tín nhiệm vì tính mới lạ, độc đáo và đa dạng của sản phẩm pháo hoa.

Đội Canada (Công ty David Whysall): Vô địch DIFC 2008

David Whysall, người đứng đầu công ty, đã có 47 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp pháo hoa, sản xuất pháo hoa ở Anh, Úc và Canada.

Canada.jpg
Màn trình diễn của đội Canada tại DIFC 2008. Ảnh: Dân trí

David Whysall đã có những màn trình diễn ngoạn mục và ấn tượng ở Ả rập Saudi, Jordan, Guatemala, Anh, Việt Nam và Malaysia. Năm 2008, David Whysall đã giành ngôi vô địch tại DIFC 2008.

Ở Canada, công ty đã tổ chức hơn 650 màn trình diễn trong vòng 11 năm qua tại thắng cảnh nổi tiếng thế giới – Thác Niagara. Rất nhiều trong số các buổi biểu diễn này được hợp tác thực hiện với Công ty Giải trí Walt Disney.

David Whysall cũng ký kết nhiều hợp đồng dài hạn với các thành phố, vùng miền và các sự kiện thường niên được tổ chức ở Canada. Họ đã có rất nhiều dịp tham gia lễ hội pháo hoa “Festival of Fire” ở Toronto, một sự kiện tiếp nối lễ hội pháo hoa nổi tiếng “Symphony of Fire” ở Canada.

Đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp và nhiều kinh nghiệm của công ty có đủ niềm đam mê, sự cống hiến và tinh thần làm việc nhóm cao để đảm bảo các màn trình diễn được thực hiện theo đúng kế hoạch và kinh phí đề ra.

Theo nhận định của Joe Ghazzal, Giám đốc Tư vấn Cuộc thi Bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng: “Tôi chưa từng thấy một đội pháo hoa nào cần mẫn và đầy nhiệt huyết như đội pháo hoa của David. Họ bỏ qua cả những giờ nghỉ giải lao để kịp tiến độ công việc. David là một nhà lập trình pháo hoa xuất sắc và họ rất có tương lai”.

ĐNĐT

;
.
.
.
.
.