.

Đến phòng trà để nghe nhạc

.
Nếu ở Sài Gòn, sự xuất hiện ồ ạt của những phòng trà ca nhạc kiểu “hát cho nhau nghe” làm người ta chán nản, thì ở Đà Nẵng,  vẫn còn nhiều người rủ nhau “đến phòng trà để nghe nhạc”

Mô tả ảnh.
Đến phòng trà nghe nhạc cũng là một lựa chọn thú vị khi đến Đà Nẵng. (Ảnh chụp tại phòng trà Hợp Phố-Đà Nẵng)
 
Nên đến

“Có tiền phải dẫn người yêu đến phòng trà mà nghe nhạc, hay lắm”. Anh Hiệp, giảng viên Trường Đại học Duy Tân dặn dò thằng em cùng quê mới chân ướt chân ráo vào Đà Nẵng. Quả thực, trong tiết trời se lạnh của mùa thu phảng phất mưa phùn ở miền Trung, đến phòng trà để được đắm mình trong một không khí âm thanh du dương, sang trọng chan hòa trong những sắc màu ấm áp của khăn bàn, rèm cửa, bình hoa, ấm trà… được các chủ nhân có gu thẩm mỹ kỹ lưỡng lựa chọn trang trí thì thật không còn gì bằng!

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Huyền Trang (người Đà Nẵng), Việt kiều Canada mỗi lần có dịp về Việt Nam, sau khi thu xếp xong công việc ở thành phố Hồ Chí Minh thì nhất định phải bay ra Đà Nẵng để nghe nhạc phòng trà. “Người miền Trung mình cái gu âm nhạc nó khác, không ồn ả như trong Sài Gòn”, chị Trang nói.

Chị Trần Thị Nguyệt Hạnh, chủ quán bar cà-phê Tiếng Dương Cầm tiếng tăm ở Đà Nẵng cho hay, Tiếng Dương Cầm gắn với cuộc đời chị 17 năm rồi, thăng trầm vất vả cũng đã trải nhưng chưa bao giờ chị hết tự hào về cái nghề vừa làm kinh doanh vừa làm nghệ thuật này: “Tạo được một điểm thư giãn tao nhã, tin cậy cho mọi người, mình rất vui. Nghe họ truyền tai nhau những lời khen (có cả động viên) về Tiếng Dương Cầm, cảm giác thật khó tả. Vì khách đến cốt là để nghe nhạc, nên nói gì thì nói, nhạc là chuyện cần được chăm chút nhất”. Bởi thế, chị luôn dặn các nhạc công và ca sĩ của quán mình không được phép lơ là, chểnh mảng dù chỉ là những chi tiết nhỏ. Các ca sĩ của chị trước khi hát phải tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh xuất xứ ca khúc sắp thể hiện, phải trải qua quá trình tập luyện, được biên tập kỹ lưỡng. Đó là bí quyết giản dị để phòng trà chị “sống” đến bây giờ.

Không phải “cá mè một lứa”

“Ở Đà Nẵng hiện tại, có khoảng mươi phòng trà ca nhạc đang hoạt động và mỗi quán có một cái gu riêng, không thể gò theo một khuôn mẫu bất kỳ nào, nhưng không phải đánh đồng giá trị, có quán mới mở ra đã phải đóng cửa...”, ông Dũng, chủ quán cà-phê ca nhạc Hợp Phố (đã hoạt động 11 năm nay) cho hay. 

Về khán giả đến phòng trà, Mỹ Linh-ca sĩ hát lâu năm của bar cà-phê Tiếng Dương Cầm thổ lộ: “Khách đến phòng trà có khoảng 80-90% chăm chú nghe nhạc, chỉ một vài đối tượng thỉnh thoảng lạc nhịp vì bạn bè lâu ngày gặp gỡ, vui quá, hoặc vì một lý do hy hữu nào đó mà thôi”. Nói về những đối tượng khách này, bà chủ dày dạn kinh nghiệm Nguyệt Hạnh điềm đạm: “Thay vì nổi nóng với những đối tượng khách này thì chúng ta nên nhẹ nhàng hướng cho họ bằng một lời nhắc nhở ý nhị, hay một cử chỉ kín đáo nào đó. Phải có niềm tin ở khách vì những ai muốn ăn nhậu, đập phá thì đã không dại gì tìm đến phòng trà để mua một loại thức uống đắt gấp 5-6 lần những địa điểm khác”.

Điều đáng mừng là những năm trở lại đây, không chỉ có người Đà Nẵng hay những bà con Việt kiều tìm đến phòng trà của thành phố quê hương, mà số khách nước ngoài đến thưởng thức loại hình biểu diễn âm nhạc này ngày càng tăng. Vì thế, nên chăng cần có cái nhìn gạn lọc và khích lệ, không nên để xảy ra hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” để loại hình giải trí tao nhã này có điều kiện phát huy thế mạnh.

Bài và ảnh: Ngọc Dung
;
.
.
.
.
.