.

Những câu chuyện tình yêu từ đất nước hoa anh đào

.

Đó là chủ đề xuyên suốt Liên hoan phim (LHP) Nhật Bản năm 2011 tại Đà Nẵng, sẽ khai mạc vào ngày 11-11 tới.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Phim “Nụ hôn thiên đường”. Phim “Kiếm sĩ cơ hàn”.

 

Tình yêu muôn điệu

Trong sáng, tinh khiết, hài hước, khắc khoải, nghiệt ngã… Tình son trẻ, tình muộn mằn, tình cả đời người, tình trong giây lát… là những sắc thái, cung bậc muôn màu của tình yêu, tình cảm, ý chí con người được lột tả trong 8 bộ phim Nhật Bản tham gia LHP năm nay.

Nếu như bộ phim “Nụ hôn thiên đường” (2011) kể về tình yêu đôi lứa đến kiểu “điều cần đến sẽ đến”, không đi đâu mà vội, giữa một nhà thiết kế thời trang điển trai với một nữ sinh trung học, thì bộ phim hành động “Huyền thoại Ninja Kamui” (2009) lại mô tả tình yêu và sự khát khao tự do của con người. “Kiếm sĩ cơ hàn” (2002) ngợi ca vẻ đẹp của tình yêu khi vượt qua sóng gió, sự hà khắc của chế độ, sự tàn nhẫn của cuộc đời. Ngay cả những tình cảm trong sáng và thuần khiết nhất cũng có những cách thể hiện khác nhau khi phim “Người đàn bà giao sữa” (2004) kể về một người phụ nữ tuy đã 50 tuổi nhưng vẫn sống độc thân, luôn giữ trong mình ký ức về mối tình đầu thời trung học, và buổi gặp gỡ bất ngờ với tình yêu đầu ấy đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời bà. Còn “Kẻ lạ mặt của đời tôi” (2004) lại cuốn người xem vào những tình tiết khôi hài, diễn biến kiểu thời gian xoắn ốc, nói về tình yêu trong sáng của một doanh nhân với một người con gái hoàn toàn xa lạ với anh…

Vào vai các bộ phim trên là dàn diễn viên tiếng tăm của điện ảnh Nhật Bản trong những năm gần đây, diễn xuất tinh tế và đầy bản sắc… đó cũng là lý do để khán giả Đà thành kỳ vọng và háo hức chờ đón LHP đến từ xứ sở anh đào.

Điều còn lại...

 

Liên hoan phim Nhật tại Đà Nẵng sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 11 đến
13-11 với 8 bộ phim về tình yêu. Phiên bản phụ đề tiếng Anh và tiếng Việt. Vé xem phim sẽ được phát miễn phí tại Rạp chiếu bóng Lê Độ (46 Trần Phú, quận Hải Châu, Đà Nẵng) và Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng Đà Nẵng (68 Trần Phú, quận Hải Châu, Đà Nẵng) từ ngày 1-11.

Seibei Iguchi là một chiến binh samurai cấp bậc thấp ở Nhật Bản giữa thế kỷ XIX (Thời đại Edo, 1600-1867) và cuộc đời của samurai này không có được ánh hào quang hay chức tước. Vợ mất đi, Seibei phải làm việc thật cật lực để trả nợ nên không có thời gian chăm sóc bản thân và giao lưu với bạn bè. Trong khi đám bạn samurai rượu chè thâu đêm suốt sáng, thì Seibei phải ở nhà chăm sóc hai đứa con gái và một mẹ già đau yếu. Viễn cảnh cuộc sống tươi mới như mở ra trước mắt Seibei khi Tomoe, người anh đem lòng thương nhớ đã li dị chồng, một kẻ vô cùng tàn bạo.

 

Cô mong muốn được chia sẻ cuộc sống với anh, nhưng anh lại từ chối vì muốn giữ danh dự của một samurai và vì sự tự ti về thứ bậc của mình trong xã hội. Đó là nỗi day dứt của “Kiếm sĩ cơ hàn”. Còn trong “Huyền thoại Ninja Kamui”, nhân vật chính Kamui muốn thoát khỏi cuộc sống đầy bạo lực và chết chóc của giới Ninja ở Nhật Bản thế kỷ XVIII, nhưng con đường duy nhất để anh thoát khỏi kiếp sống đen tối là phải chiến đấu như một ninja…

Sang thời hiện đại, nhân vật “Người đàn bà giao sữa” chỉ có thể gặp lại tình yêu bà hằng tôn thờ ở tuổi “đã qua bên kia cái dốc của cuộc đời”, ở thời điểm mà người ta bảo rằng liệu bà còn có đủ dũng khí để đối diện với cảm xúc thật của lòng mình? Sawako trong “Để Sawako tính” vẫn sẽ bắt đầu công việc kinh doanh của cha mình với cuộc sống như “sự thỏa hiệp” mà mỗi ngày cô phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi trong công việc lẫn tình yêu… Ngay cả bộ phim được coi là hài hước “Kẻ lạ mặt của đời tôi”, cũng đem lại cho người xem nhiều ám ảnh, bởi xoay vòng từ đầu đến cuối phim là cuộc sống của một Miyata thất bại thảm hại, một thám tử mệt mỏi vì công việc, một ông trùm gặp trục trặc trong lãnh đạo đảng phái, một phụ nữ tuyệt vọng vì thất tình, một phụ nữ lại chuyên đi lừa tình…

Như thế, tình yêu, khát vọng, ham muốn của con người luôn song hành cùng ý chí, trách nhiệm, nghĩa vụ… với nghiệt ngã, trớ trêu, đớn đau, tàn nhẫn… Nhưng trên tất cả, cuộc sống vẫn bình thản mỗi ngày, tình yêu vẫn xanh, hy vọng lại nảy mầm, ước mơ được chắp cánh. Đó phải chăng là tinh thần, là văn hóa Nhật Bản… cũng là điều còn lại sau cùng…

Bài và ảnh: Ngọc Dung

;
.
.
.
.
.