Bài 2: “Các em thiếu nhi là đối tượng nhỏ tuổi nhưng là mối quan tâm rất lớn. Đó là tâm niệm của các nhạc sĩ Đà Nẵng”, Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng, nhạc sĩ Thái Nghĩa khẳng định. Có điều, tâm niệm và thực tế dường như vẫn còn một khoảng cách khá xa.
Sáng tác nhạc thiếu nhi: Không dễ
Bìa đĩa nhạc Đồ Rê Mí đang bày bán phổ biến trên thị trường. |
Một trong những nguyên nhân khiến đĩa nhạc mới cho thiếu nhi những năm gần đây rơi vào tình trạng khan hiếm là do thiếu ca khúc mới, hay.
Hiện tại ở Đà Nẵng, với 71 hội viên Hội Âm nhạc thì chỉ có một số ít viết cho thiếu nhi như Trương Duy Huyến, Trịnh Tuấn Khanh, Thái Nghĩa, Phạm Quang Trung… nhưng những năm gần đây cũng ít dành thời gian viết cho các em vì nhiều nguyên nhân, trong đó có ý kiến cho rằng sáng tác nhạc cho thiếu nhi “khó”. Một trong số những người viết nhiều ca khúc cho thiếu nhi ở Đà Nẵng-nhạc sĩ Thái Nghĩa lý giải: “Đề tài khai thác cho thiếu nhi vốn phong phú, nhưng lời hát để chuyển tải đề tài bằng hình ảnh sinh động rất khó.
Về phương pháp sáng tác, những người chuyên viết nhạc cho thiếu nhi tuy có trình độ sư phạm âm nhạc, nhưng cũng chính sự am hiểu này mà các nhạc sĩ khó “mạnh tay” viết cho thiếu nhi vì phải bám chặt các tiêu chí. Bên cạnh đó, chuyện thù lao, kinh phí dàn dựng cũng có tác động không nhỏ đến động lực sáng tác của các nhạc sĩ…”. Người có niềm yêu thích đặc biệt trong việc hòa âm, phối khí nhạc cho thiếu nhi và có thâm niên gần 20 năm trong lĩnh vực này, nhạc sĩ Trúc Lam cho rằng: “Bao giờ các em cũng đòi hỏi ở tác phẩm sự nhí nhảnh, trong sáng, vui tươi, lời ca dễ hiểu, điệu nhạc dễ hát, dễ thuộc… Cái khó nhất đối với người sáng tác nhạc cho thiếu nhi là tìm được sự đồng điệu đến mức tuyệt đối với các em, kỵ nhất là sự áp đặt”.
“Dẫu biết rằng, để giải quyết vấn đề ca khúc cho thiếu nhi thì điều quyết định vẫn là cái tâm, cái tài của người nhạc sĩ, nhưng vẫn cần lắm sự khích lệ, động viên từ các cấp về chế độ nhuận bút, về ưu tiên chọn dàn dựng, quảng bá…”. Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng, nhạc sĩ Thái Nghĩa bày tỏ.
Băng đĩa lậu: Khó kiểm soát!
“Các chị bày bán thế này, hằng năm có ai đến kiểm tra không?“. Tôi hỏi chủ tiệm H.T (đường Lê Độ). Chị trả lời dứt khoát “không em”. “Các quầy băng đĩa trên địa bàn thành phố bây giờ hoàn toàn được tự do kinh doanh, chúng tôi không thấy một cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm soát cả. Dihavina (đĩa hát Việt Nam) chỉ chịu trách nhiệm về chất lượng các ấn phẩm của hãng”, ca sĩ Thanh Trà, Giám đốc Dihavina khu vực miền Trung khẳng định. Nhạc sĩ Thái Nghĩa ngao ngán: “Số lượng các quầy kinh doanh băng đĩa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giờ đã lên đến con số vài nghìn. Trong khi chuyện cấp phép sản xuất băng đĩa chỉ theo kiểu hành chính, không phải ai kiểm duyệt cũng có chuyên môn về nhạc thiếu nhi. Ở Đà Nẵng trước đây, từng có nhạc sĩ tâm huyết tự bỏ vốn sản xuất băng đĩa cho thiếu nhi nhưng chưa kịp thu hồi vốn thì đã bị các shop sao chép khai thác in lậu, kết quả là nhạc sĩ này bị lỗ vốn khá nặng. Vài trường hợp xảy ra tương tự rồi thôi, không ai làm nữa”.
“Hằng năm thành phố có tổ chức mấy đợt thanh tra liên ngành, khi ấy “có thể” một số quầy băng đĩa sẽ được kiểm tra”, bà Văn Thị Thu Bích-Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho hay.
Bài và ảnh: Thanh Tân