.

Băng đĩa nhạc cho thiếu nhi: Khó kiểm soát...

.

Bài 1: Không nằm ngoài hiện trạng chung của cả nước, đã khá lâu, thị trường âm nhạc cho thiếu nhi tại Đà Nẵng không xôn xao bởi những ấn phẩm mới mà đâu đó, nghe người ta rỉ tai nhau: “Đĩa nhạc bữa ni rẻ lắm, càng ngày càng rẻ?”.

“Bóng” những ngày xưa

 

Mô tả ảnh.
Album của các “ngôi sao nhí kỳ quái” vẫn được bày bán trên thị trường băng đĩa Đà Nẵng.

“Từ hồi bé mới hơn 1 tuổi, cả nhà đã bắt đầu mua cho bé xem những băng đĩa nhạc thiếu nhi, bé nghiền nhất là đĩa Xuân Mai, thậm chí có nguyên một hộp đĩa riêng của cô ca sĩ nhí này. Giờ khi đã thuộc hết tất cả, bé đâm chán, lúc nào cũng đòi đĩa mới, bài hát mới” - Chị Diệu Hiền (quận Hải Châu) nói về cô công chúa 4 tuổi của mình.

 

Trong kệ đĩa nhà chị Hà Trang (quận Thanh Khê) phần lớn dành đựng những đĩa nhạc thiếu nhi cho cô con gái nhỏ. Nhưng chị cho biết, đã khá lâu rồi cháu không xem đến. Vợ chồng anh Tuấn Cường (quận Liên Chiểu) đang loay hoay tìm đĩa nhạc thiếu nhi mới tại quầy Far muisic bộc bạch: “Hôm nay có dịp lên trung tâm thành phố mua sắm, nhóc ở nhà cứ dặn đi dặn lại, “ba mẹ lên phố thì nhớ mua đĩa nhạc mới về cho con”, nhưng cả hai vợ chồng căng mắt nãy giờ vẫn chưa tìm được đĩa ưng ý”.

Tất nhiên, đó không phải là tâm sự riêng của chị Diệu Hiền, chị Hà Trang, vợ chồng anh Tuấn Cường. Dạo quanh các quầy băng đĩa ở hầu khắp các con đường lớn nhỏ trên địa bàn thành phố đều có thể nhận thấy một đặc điểm chung: Đĩa Xuân Mai và các giọng ca nhí cùng thời luôn chiếm số lượng áp đảo (40-60%). Bên cạnh đó là vài đĩa nhạc lẻ tẻ không tiếng tăm. Đĩa nhạc thiếu nhi “mới nhất” mà các chủ tiệm đưa ra là Đồ Rê Mí, thì cũng được thâu từ các chương trình đã phát trên sóng truyền hình. Về Đồ Rê Mí, chị Hiền nói thêm: “Lần đầu mua về bé cũng thích lắm, nhưng sau dần nhận thấy đó là những tiết mục đã biểu diễn trên truyền hình, bé có xem nhưng không khoái bằng xem từ ti-vi”.

Đĩa lậu lấn lướt

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trừ một số địa chỉ tin cậy chuyên kinh doanh băng đĩa được Cục Nghệ thuật cấp bản quyền như Dihavina, Fafim, Phương Nam... thì hầu hết các đĩa nhạc dành cho thiếu nhi được bày bán tràn lan trên thị trường đều là đĩa lậu, in sao từ những đĩa nhạc cách đây từ 6 -10 năm. Chất lượng kém, nội dung của những đĩa hát này lặp đi lặp lại, có những đĩa giống nhau đến 98% vì chỉ có 2 bài hát khác được thêm vào. Sự chắp nối khiến các đĩa nhạc có độ dài kỷ lục, có đĩa lên đến 60 bài hát.

Thế nhưng, các đĩa lậu này vẫn là sự lựa chọn của số đông vì lợi thế về giá cả (mỗi đĩa nhạc giá chỉ từ 5.000-7.000 đồng). Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (Nhà sách Phương Nam) tại Đà Nẵng cho biết: “Đĩa nhạc thiếu nhi chúng tôi bày bán ở đây là đĩa độc quyền nên không có hiện tượng trùng lặp, chất lượng đĩa bảo đảm nhưng số lượng đĩa bán được chỉ cầm chừng, chúng tôi đoán phần vì giá cả, phần vì số đông chưa có thói quen mua đĩa gốc”. Cửa hàng trưởng Nhà sách Fahasa Đà Nẵng, anh Phạm Huy Hào không giấu giếm: “Vài năm trở lại đây, nhà sách chúng tôi nhập đĩa nhạc thiếu nhi không nhiều như trước vì chuyện tiêu thụ hơi khó khăn”. 

Tạm bỏ qua sự lỗi thời, trùng lặp và kém chất lượng về âm thanh, hình ảnh... điều đáng lo ngại là chuyện in ấn đĩa sao chép, đĩa lậu tràn lan, tất yếu sẽ “tạo điều kiện” để các ấn phẩm âm nhạc phi thẩm mỹ len lỏi vào đời sống tinh thần của các em thiếu nhi như album của các “ngôi sao nhí kỳ quái” như bé Châu, Duy Phước, bé Lon Ton, bé Mộng Quỳnh... Các em chỉ mới 5-6 tuổi nhưng mặc những bộ quần áo lưới mỏng dính, ôm sát cơ thể, hát những ca khúc người lớn ủy mị, não tình cùng với phần trình diễn quằn quại, với những ca khúc như “Trả nợ tình xa”, “Ôi tình yêu”, “Lời tỏ tình dễ thương”... và đó cũng là nỗi lo thường trực của những người quan tâm đến thế hệ trẻ. Thêm nữa, một hiện tượng “lạ” làm không ít bậc phụ huynh giật mình là gần đây, ngay trên bìa đĩa Đồ Rê Mí có hẳn mục quảng cáo gọn lỏn ở góc dưới của đĩa về “bí kíp yêu”, “tuyệt chiêu hoàn hảo” với hình ảnh minh họa phản cảm. Một bà mẹ trẻ bất bình nói: “Lúc đi mua không để ý (vì không ngờ tới), về nhà mới thấy, giấu không kịp... thật không hiểu nổi”. Khi được hỏi vì sao trên đĩa có hình ảnh không lành mạnh như vậy mà vẫn bày bán hàng loạt thì chủ một cửa hàng băng đĩa thản nhiên trả lời: “Chúng tôi chỉ nhập về bán, nơi sản xuất họ làm thế nào, làm sao biết được. Với lại, quảng cáo như vậy bây giờ là thường mà, chỉ quảng cáo chứ có gì đâu”...

(Còn nữa)

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.