.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ở Đà Nẵng

.

Vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lớn. Tuy nhiên, những giá trị này đang mai một dần theo thời gian.

Mô tả ảnh.
Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đang có nguy cơ mai một dần.

 

Đa dạng các loại hình văn hóa phi vật thể.

Ngày nay, những di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã trở thành một nét tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam. Các giá trị văn hóa ấy luôn được bảo lưu, bổ sung, sáng tạo qua các thế hệ theo chiều hướng tích cực, hòa chung trong “dòng chảy” của cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng, hiện nay, song song với hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh, thành phố Đà Nẵng có hàng chục lễ hội lớn nhỏ cùng hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể khác nhau, bao gồm: Ngữ văn dân gian (gồm có: sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt bằng lời khác); Nghệ thuật trình diễn dân gian (gồm: âm nhạc, múa hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác); Tập quán xã hội (bao gồm luật tục hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); Tri thức dân gian (bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục); Nghề thủ công truyền thống… Những di sản văn hóa phi vật thể có giá trị trong công tác giáo dục tri thức, hình thành nhân cách con người, đã và đang phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của mình trong việc quảng bá hình ảnh quê hương Đà Nẵng, phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách, các nhà đầu tư.

Đang mai một dần

Tuy nhiên, do đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền khẩu và đặc biệt là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cùng với sự giao lưu, hội nhập toàn diện… đã tác động một cách sâu rộng đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố Đà Nẵng, làm cho văn hóa phi vật thể đang mai một dần. Do vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Đà Nẵng là một yêu cầu cấp thiết.

Thực tế cho thấy, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở thành phố Đà Nẵng chưa được như mong muốn. Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; công tác nghiên cứu sưu tầm còn mang tính dàn trải, chưa sâu và còn phiến diện. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được sưu tầm nhưng chưa được đưa vào khai thác, sử dụng trong đời sống. Các loại hình ngữ văn dân gian, văn học-nghệ thuật truyền thống như truyện cổ tích, thần tích, thần phả, sắc phong, ca dao, tục ngữ, văn học dân gian… đã được nghiên cứu, sưu tầm; tuy nhiên chưa được tổng hợp, biên tập một cách khoa học và có hệ thống nên đang có nguy cơ mai một…

Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra thì trong tương lai không xa, những đặc trưng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc nói chung và của Đà Nẵng nói riêng sẽ bị “hòa tan” dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường cùng sự du nhập của những “nền văn hóa ngoại lai”. Đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ dần mai một và biến mất, thay vào đó là sự pha tạp, lai căng của nhiều nền văn hóa khác nhau và mỗi dân tộc sẽ tự đánh mất hình ảnh của tổ tiên, đánh mất bản sắc văn hóa, dân tộc mình và sự tồn tại của chính mình.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.