.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ở Đà Nẵng

.
Các di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo, riêng biệt ấy trong tình hình hiện nay và phát triển nó như thế nào trong tương lai thực sự là vấn đề rất khó.
 
Mô tả ảnh.
Lễ hội Cầu ngư tại quận Liên Chiểu.
 
Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng cho biết, qua nghiên cứu, điều tra, điền dã và từ thực trạng của vốn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trung tâm đã đề xuất nhiều phương án cho việc bảo tồn, khai thác các giá trị ấy, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp bước đầu, chưa toàn diện. Theo ông Tuấn, việc bảo tồn tín ngưỡng thực sự cần có những nghiên cứu sâu hơn, rộng lớn hơn cũng như cần có những đóng góp của các chuyên gia và các nhà quản lý văn hóa.

Để bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nên chăng, trước hết cần thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương một cách khoa học và có hệ thống. Thông qua việc tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống di sản văn hóa nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại di sản văn hóa trong cộng đồng, trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả.

Để phát huy tốt các giá trị văn hóa phi vật thể, trước hết cần phải nâng cao vai trò quản lý, định hướng của Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa, gắn hoạt động văn hóa dân tộc trong công tác xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó cần chú trọng đến nguyên tắc “bảo tồn sống”, tức là bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng. Có chính sách, chế độ thích đáng cho các nghệ nhân tài giỏi, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn tài sản văn hóa dân tộc - ÔngTrần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch
TP. Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, theo Thạc sĩ Văn Thu Bích, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở VH- TT&DL), cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, nâng cao các làn điệu dân ca, dân vũ để đáp ứng nhu cầu thực tế; xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm và tiến tới hướng dẫn phổ biến các nhạc cụ cổ truyền dân tộc. Đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, giao lưu, hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Để làm tốt những giải pháp trên, vấn đề then chốt là chúng ta phải đổi mới và nâng cao nhận thức, xem cơ sở là địa bàn chiến lược của sự nghiệp văn hóa, là nơi biến những quan điểm của Đảng và Nhà nước thành hiện thực, là môi trường sống, nơi sinh ra và đồng thời là nơi lưu giữ, trao truyền và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Bởi vậy, nếu chúng ta có chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, được toàn dân và các cấp, các ngành tham gia, hưởng ứng và chắc chắn rằng khi hội tụ đủ sức mạnh tổng hợp ấy thì nhất định công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa sẽ đạt được nhiều thành tựu mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa trong cộng đồng  dân cư.
 
(Tiếp theo và hết)

Bài và ảnh: VĂN NỞ
;
.
.
.
.
.