.

Cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa: Bao giờ hoàn thiện?

.

Giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, nhưng cho đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở (TCVHCS) ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập, trong đó, hạn chế về cơ sở vật chất là một trong những vấn đề nổi cộm.

Mô tả ảnh.
Có TCVH mới, các cụ ông, cụ bà phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) hào hứng tham gia các trò chơi trong Ngày hội Văn hóa biển.

 

Nơi có, nơi không

Chưa vội bàn cái bên trong, nhìn tổng thể bề mặt hệ thống TCVHCS ở Đà Nẵng có thể nhận thấy sự thiếu đồng bộ, nơi có nơi không của các trung tâm (TT) văn hóa, nhà văn hóa (NVH) từ cấp quận, huyện đến xã, phường, thôn, tổ dân phố. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng đến ngày 30-9-2011, toàn thành phố có 6/7 quận, huyện có TT Văn hóa-Thể thao (VH-TT), chỉ còn quận Liên Chiểu chưa có TT VH-TT. Ở cấp phường, xã, quận Hải Châu có 13 phường thì chỉ mới 6 phường có NVH; quận Thanh Khê có 10 phường nhưng chỉ có 2 phường có NVH; quận Sơn Trà chỉ có 1/7 phường có NVH; với quận Ngũ Hành Sơn, tỷ lệ này là 1/4; 3 địa phương còn lại là quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang không có NVH cấp xã, phường!!. Ở cấp thôn, tổ dân phố (TDP), tình hình còn đáng báo động hơn khi chỉ có 15 NVH/563 TDP ở quận Hải Châu; 56 NVH/461 thôn, TDP ở quận Thanh Khê; 6 NVH/388 TDP ở quận Sơn Trà và 68 NVH/283 TDP ở quận Liên Chiểu…

Những nơi đã có thiết chế này cũng thiếu thốn đủ bề: thiếu nhà thi đấu, thiếu sân khấu, khán đài, phòng trưng bày... Nhiều thiết chế văn hóa lại phải gồng mình gánh đủ loại chức năng từ thông tin triển lãm, sinh hoạt văn nghệ... đến hoạt động thể dục thể thao và kiêm luôn địa điểm sinh hoạt của các CLB hưu trí, nơi hội họp của các đoàn thể... Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù mang tiếng “Trung tâm Văn hóa-Thể thao”, nhưng hầu hết các TT VH-TT tuyến quận, huyện trên địa bàn thành phố nặng về Thể thao, ở đâu cũng chỉ nghe nói đến sân vận động, sân bóng đá, sân tennis, sân quần vợt… mà thiếu hẳn cơ sở cho các hoạt động thông tin, văn hóa, văn nghệ.

Theo lý giải của Sở VH-TT&DL, thì nguyên nhân của những hiện tượng trên là do việc xây dựng các công trình Trung tâm VH-TT các quận, huyện ngay từ đầu đã không trọn vẹn, thiếu tính tổng thể. Trong quá trình đầu tư xây dựng, do nguồn vốn được cấp hằng năm quá ít nên không đủ để tập trung xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục chính. Mặt khác, mô hình tổ chức các trung tâm VH-TT không đồng nhất giữa các quận, huyện, nơi trực thuộc Phòng Văn hóa-Thông tin, nơi lại thuộc UBND quận (như Trung tâm VH-TT quận Ngũ Hành Sơn) cũng dẫn đến sự “lùng nhùng” trên.

Nguy cơ xuống cấp…

 

Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TCVHCS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (tháng 10-2011): “Đối với thiết chế cấp phường, xã: Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng của một số Nhà VH-TT phường, xã vừa thiếu vừa lạc hậu và xuống cấp trầm trọng, chưa phát huy hết công năng, chưa trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân địa phương. Hầu hết các địa phương chưa xây dựng được quỹ đất dành cho xây dựng nhà văn hóa cơ sở; diện tích đất sử dụng chưa đạt yêu cầu…”.

“Chúng tôi rất ngại khi lúc nào cũng phải bắt đầu với điệp khúc “nghèo nàn, hư hỏng, xuống cấp”… khi nói về hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các TCVH trên địa bàn thành phố, nhưng rất tiếc đó là thực tế. Ngay cả Trung tâm Văn hóa (TTVH) của thành phố cũng không phải là trường hợp ngoại lệ”, ông Trần Ngọc Sanh, Phó Giám đốc phụ trách TTVH thành phố Đà Nẵng than thở. “Chói, nóng, thấm, dột, trượt là 5 nhược điểm nổi bật của TTVH thành phố bây giờ”, một cán bộ của TTVH thành phố hóm hỉnh nói.

 

Nhìn bề ngoài, TTVH thành phố sau khi sáp nhập với Nhà Biểu diễn đa năng có diện tích rộng lớn, kiến trúc hiện đại nhưng theo đánh giá của nhiều người, trung tâm hiện tại chỉ giống một “sân khấu ngoài trời có mái che”, nhưng mái che mới sử dụng chưa đầy 3 năm thì đã xuống cấp. Ngoài 4.000 ghế, TTVH thành phố hiện không có sân khấu biểu diễn (mỗi lần tổ chức hội thi, hội diễn phải thuê ngoài), không có các phòng chức năng VH-TT chuyên biệt, do đó, không phát huy hiệu quả mục đích của thiết chế, không phục vụ được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của nhân dân…

Với TCVHCS cấp cao nhất của thành phố đã như thế, nên chuyện “nghèo nàn, hư hỏng, xuống cấp” ở các thiết chế văn hóa  từ quận, huyện trở xuống là điều hiển nhiên. Và để hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa ở Đà Nẵng, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của lãnh đạo, chính quyền thành phố và các ban, ngành liên quan. Đồng thời phải vận động các doanh nghiệp, người dân thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, để cùng với ngành VH-TT thành phố xây dựng hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa từ thành phố đến cơ sở phường, xã.

Bài và ảnh: Thanh Tân

;
.
.
.
.
.