Với bề dày lịch sử hơn 200 năm hình thành và phát triển, Làng đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn) đã từng bước khẳng định được thương hiệu của mình và đang đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Du khách tham quan Làng đá mỹ nghệ Non Nước. Ảnh: QUỐC TÍN |
Một làng nghề độc đáo
Theo các nghệ nhân cao tuổi ở Làng đá Non Nước, nghề chế tác đá mỹ nghệ Non Nước có từ hơn 200 năm nay. Làng được hình thành vào cuối thế kỷ XVIII, do nghệ nhân người Thanh Hóa tên là Huỳnh Bá Quát khai phá, sang thế kỷ 19 thì cả làng đều sinh sống bằng nghề chế tác đá. Ngày nay tại phường Hòa Hải vẫn còn nhà thờ “Thạch Nghệ Tổ sư” và ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch hằng năm là ngày giỗ tổ của nghề đá mỹ nghệ Non Nước.
Hiện nay, Làng đá mỹ nghệ Non Nước có hơn 400 hộ sản xuất kinh doanh, chế tác sản phẩm đá mỹ nghệ với hơn 3.000 lao động. Doanh thu từ nghề đá mỹ nghệ hằng năm đạt từ 100 - 120 tỷ đồng. Sản phẩm của làng đá Non Nước hiện nay hết sức đa dạng, phong phú về đề tài, chủng loại, kích cỡ, từ những vật dụng hằng ngày như chày, cối, cốc, chén, ấm trà bằng đá... đến những tượng thần Vệ nữ, danh nhân đất Việt, danh nhân thế giới, Phật Di Lặc, Phật bà Quan Âm, Sư tử, Hổ, Báo, Đại bàng... Có tượng chỉ bằng ngón tay, có tượng to bằng người thật hết sức tinh xảo, sinh động.
Sản phẩm của Làng đá mỹ nghệ Non Nước không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước, mà còn được xuất ra nhiều thị trường lớn như Mỹ, Úc, Nhật Bản, châu Âu... với chất lượng, mẫu mã, độ tinh xảo ngày càng được nâng cao. Các cơ sở sản xuất ở Non Nước không chỉ tổ chức dạy nghề, đào tạo thợ tại chỗ, mà còn đầu tư cho con em vào học ở các trường đại học như Mỹ thuật công nghiệp..., mời các họa sĩ có tên tuổi thiết kế mẫu mã, kiểu dáng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
Hướng đến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Đến nay, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang khẩn trương phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa Đà Nẵng tiến hành nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhằm mục đích nghiên cứu lập hồ sơ đăng ký công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Làng đá mỹ nghệ Non Nước, theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.
Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng cho biết, theo quy định tại Điều 10 Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30-6-2010 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để lập hồ sơ khoa học, thì Làng đá mỹ nghệ Non nước hội đủ 4 tiêu chí theo quy định: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Đây là những tiêu chí quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hiện tại, quận Ngũ Hành Sơn đang chỉ đạo cho phường Hòa Hải phối hợp với Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa Đà Nẵng khẩn trương thực hiện lập thủ tục hồ sơ đăng ký công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Làng đá mỹ nghệ Non Nước. Theo ông Đoàn Ngọc Độ, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, để bảo đảm cho hồ sơ di sản văn hóa có giá trị khoa học và có tính thuyết phục cao, trước mắt UBND phường Hòa Hải yêu cầu nhân dân lập bản cam kết tự nguyện bảo vệ; hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Làng đá mỹ nghệ Non Nước.
Trước thông tin đề cử Làng đá mỹ nghệ Non Nước là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Long Bửu (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, đây là một tin vui cho nhiều thế hệ làm nghề điêu khắc đá, mỗi người dân Hòa Hải chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làng đá mỹ nghệ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
VĂN NỞ