Hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở (TCVHCS) trên địa bàn thành phố hiện nay được đánh giá là chưa phát huy hết hiệu quả, chưa thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho đại đa số nhân dân. Bên cạnh sự chi phối của yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị hay các nhân tố khách quan khác, thì con người bao giờ cũng đóng vai trò quyết định.
Để tổ chức được những hội thi quy mô lớn, người cán bộ văn hóa phải đầu tư tâm sức rất nhiều. |
Anh Vương Tuấn Kiệt, Phó phòng Văn hóa-Thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận Thanh Khê, một trong những đơn vị dẫn đầu về phong trào VH-TT của thành phố bộc bạch: “Làm cái gì cũng phải coi trọng chữ tín, mình làm có hiệu quả, chất lượng, thì nhất định người ta sẽ đầu tư. Đó là bí quyết của phong trào thể thao quận Thanh Khê”. Anh Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng VH-TT huyện Hòa Vang thì tâm niệm: “Người cán bộ văn hóa phải có cái tâm với ngành, cầu tiến, không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo, biết khắc phục hoàn cảnh”.
“Người cán bộ văn hóa vừa phải làm tốt công tác tổ chức phong trào, vừa làm tốt nhiệm vụ tham mưu với cấp trên. Khi phong trào chưa tốt, nghĩa là người cán bộ văn hóa chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tất nhiên, để đảm đương trọn vẹn nhiệm vụ trên là rất khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Điển hình như cán bộ văn hóa ở các trung tâm văn hóa Mộc Châu, Sơn La có thể cho chúng ta bài học về tính chủ động, linh hoạt của người cán bộ”, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định. Thực trạng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở ở thành phố hiện nay còn thiếu và yếu, nhất là ở các phường, xã.
Số lượng cán bộ có trình độ đại học và trung cấp chiếm tỷ lệ thấp so với yêu cầu đặt ra. Ngay cả với Trung tâm Văn hóa thành phố, số lượng cán bộ tuy được đào tạo ngày càng chuyên môn hóa, nhưng vẫn còn thiếu và chưa được chuẩn hóa theo yêu cầu, theo quy hoạch. Phần lớn các trung tâm văn hóa cấp quận, huyện chưa đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ, một số cán bộ thường được chuyển từ các đơn vị khác không có chuyên môn nghiệp vụ VH-TT, chưa am hiểu đặc thù, tính chất, phương pháp hoạt động nghiệp vụ.
Từ nhiều năm nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người phụ trách công tác văn hóa-thông tin cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, chưa có đào tạo cán bộ chuyên ngành, còn sử dụng cán bộ trái ngành nghề hoặc chỉ dựa vào một vài năng khiếu bẩm sinh. Do đó, không ít nhà văn hóa, vừa thiếu cán bộ tổ chức, hướng dẫn có chuyên môn sâu, vừa thiếu cán bộ quản lý.
“Chúng ta phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có 50% cán bộ văn hóa-thể thao cấp xã, phường có trình độ đại học, ở cấp quận, huyện là 100%, trong đó có 70% chuyên ngành văn hóa và thể thao, hoặc khoa học xã hội và nhân văn. Cấp thành phố có 100% cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành văn hóa, khoa học xã hội và nhân văn. Tất nhiên, chúng ta không phấn đấu cho “cái vỏ” bằng cấp, quan trọng nhất vẫn là hiệu quả hoạt động. Để cập nhật những kiến thức quản lý cơ bản trong việc thực hiện văn bản pháp quy, Sở VH-TT&DL thành phố sẽ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa-thể thao cơ sở”, ông Chiến nói.
Bài và ảnh: Ngọc Dung