.

Nhìn lại “Đề án Quy hoạch hệ thống bảo tàng”

.

Ngày 28-10-2008, “Đề án Quy hoạch hệ thống các bảo tàng (BT) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” được UBND thành phố phê duyệt. Hơn 3 năm trôi qua, nhiều người nghi ngại rằng, “liệu Đề án này có thể hoàn thành, hay lại phải tốn giấy mực cho một sự thay thế?”. Về vấn đề này, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Thanh (ảnh), Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - đơn vị chủ trì Dự án...

Mô tả ảnh.

* P.V: Thưa ông, với BT Điêu khắc Chăm (ĐKC), trong Đề án có ghi “Tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, sưu tầm”, “nâng cấp BT, tổ chức trưng bày theo lộ trình mới” nhưng đến nay, ngoài những lần đầu tư kinh phí “đột xuất”, thì vẫn chưa có kế hoạch “dài hơi” nào từ thành phố. Mặt khác, với kinh phí 55% tự chủ, BT chỉ đủ để duy trì, tồn tại chứ không thể nâng cấp hay phát triển. Ông có thể nói gì về vấn đề này?

 

- Ông Trần Quang Thanh: Trong những năm gần đây, BT ĐKC đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, phục vụ phát triển du lịch thành phố. Doanh thu từ việc bán vé cho khách tham quan năm 2011 ước đạt 4,8 tỷ đồng. BT ĐKC hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ. Nguồn thu để lại để thực hiện kinh phí tự chủ là 55% (nguồn thu từ bán vé của khách du lịch tham quan), trong đó 10%  nguồn kinh phí này được sử dụng để tổ chức một số hoạt động phục vụ khách, tuyên truyền và quảng bá hình ảnh BT.

Năm 2011, Sở VH-TT&DL đã trình UBND thành phố cấp kinh phí bổ sung cho BT để thực hiện công tác khai quật khảo cổ học ở Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) là 156 triệu đồng; bổ sung kinh phí để mua bộ sưu tập hiện vật là 245 triệu đồng. Đó là những cố gắng lớn của thành phố trong bối cảnh, điều kiện nguồn kinh phí còn có những khó khăn chung. Ngoài ra, để nâng cấp cơ sở vật chất của BT, trong gần 3 năm qua, Sở đã tích cực làm việc với các đơn vị tư vấn xây dựng một số phương án xây dựng nhằm mở rộng diện tích và nâng cao hiệu quả hoạt động của BT. Các phương án thiết kế này đã được báo cáo cho lãnh đạo thành phố hai lần, tại các cuộc họp cho ý kiến về quy hoạch kiến trúc cảnh quan thành phố.

Để tạo điều kiện cho Bảo tàng ĐKC hoạt động tốt hơn trong những năm đến, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo BT xây dựng kế hoạch 2011-2020 để Sở thẩm định và trình UBND thành phố đầu tư lâu dài trong thời gian tới. Sở cũng đã đề nghị thành phố quan tâm bố trí thêm nguồn kinh phí phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ của BT.

* P.V: Với BT Lịch sử Đà Nẵng (BT Đà Nẵng), địa chỉ hiện tại (24 Trần Phú) chỉ là tạm thời, trong Đề án cho biết, sẽ nghiên cứu, đề xuất địa điểm mới với diện tích khoảng 15 ngàn mét vuông để “tương xứng với tầm vóc của một đô thị lớn”, 3 năm rồi, thành phố đã “nhắm” được địa điểm nào chưa?

- Ông Trần Quang Thanh: BT Đà Nẵng mới được đưa vào khánh thành phục vụ khách tham quan vào tháng 4-2011. Vì vậy, việc trước mắt là tổ chức tốt hoạt động và khai thác, phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước. Căn cứ các nội dung trong quy hoạch hệ thống BT trên địa bàn thành phố, Sở sẽ lập đề án với nội dung đề xuất địa điểm mới, mở rộng quy mô diện tích cho BT để quy hoạch phát triển cho các năm đến, đặc biệt là chú trọng sưu tầm bổ sung các nguồn tư liệu, hiện vật phục vụ cho công tác trưng bày.

Sau khi thành phố xem xét phê duyệt, Sở sẽ phối hợp với Sở Xây dựng rà soát tình hình sử dụng đất, chọn và đề xuất địa điểm.

* P.V: Với BT Mỹ thuật (MT) thành phố, theo phân kỳ thời gian thì việc nâng cấp, đầu tư thiết kế trưng bày sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian từ 2008-2012, hiện tại gần hết năm 2011, chúng ta đã làm đến đâu?

- Ông Trần Quang Thanh: Theo Kế hoạch 3967/KH-UBND ngày 1-7-2010 của UBND thành phố về thực hiện Quyết định số 581/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 tại thành phố Đà Nẵng, trong đó đã phê duyệt quy hoạch xây dựng BT MT từ năm 2014-2015.
Tuy nhiên, ngay sau khi có quy hoạch hệ thống các BT, từ năm 2009, Sở đã thành lập Tổ chuyên trách Đề án thành lập BT Mỹ thuật Đà Nẵng, đã trình Đề án và được UBND thành phố đồng ý về chủ trương và giao BT Đà Nẵng xây dựng phương án sưu tầm hiện vật, chuẩn bị nhân sự. Năm 2010, BT Đà Nẵng đã trình UBND thành phố xin chủ trương mua hiện vật với kinh phí 1 tỷ đồng, UBND thành phố đề nghị lập lại dự toán và có phân kỳ từng năm từ 2011 đến 2014. Tuy nhiên, đến đầu năm 2011, do Tổ trưởng Tổ chuyên trách Đề án thành lập BT MT Đà Nẵng được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố, nên việc tiếp tục thực hiện Đề án được chuyển về Sở. Hiện nay, Sở đã thành lập lại Tổ chuyên trách Đề án thành lập BT MT Đà Nẵng và xây dựng kế hoạch triển khai chuẩn bị thành lập BT MT  Đà Nẵng.

Sở cũng đang lập Kế hoạch đầu tư trưng bày BT MT Đà Nẵng, trong đó dự toán xin kinh phí sưu tầm, phục chế, mua tác phẩm tranh tượng MT từ nay đến 2014 (mỗi năm đề xuất mua 20 tranh, với kinh phí khoảng 300 triệu đồng), xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho BT. Ngoài ra, sẽ tổ chức vận động các tác giả hiến tặng tác phẩm để bổ sung cho nguồn hiện vật của BT MT.

* P.V: Còn BT Hải dương học (HDH), theo phân kỳ thời gian của Đề án thì từ 2009-2015 sẽ hoàn thành, nhưng đến nay, tình hình có vẻ “im hơi lặng tiếng”, nhiều người quan tâm liệu sẽ có hay không BT HDH  ở Đà Nẵng?

- Ông Trần Quang Thanh: Tại Quyết định số 8941/QĐ-UBND ngày 28-10-2008 của UBND thành phố về việc Phê duyệt Đề án Quy hoạch hệ thống BT trên địa bàn thành phố đến năm 2020, có nêu việc phân kỳ xây dựng BT HDH thời gian từ năm 2009-2015. Tuy nhiên, việc xây dựng BT loại hình này cần có thời gian và nguồn kinh phí lớn để xây dựng các bộ sưu tập mẫu vật các loại, vì vậy, cần phải có sự chuẩn bị kỹ.

Theo Kế hoạch 3967/KH-UBND ngày 1-7-2010 về thực hiện Quyết định số 581/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 tại thành phố Đà Nẵng, trong đó đã phê duyệt quy hoạch xây dựng BT HDH từ năm 2018-2020. Do đó, trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ tổ chức triển khai việc chọn địa điểm và xây dựng vào các năm tiếp theo (giai đoạn 2015-2020).

* P.V: Xin cảm ơn ông.

Thanh Tân (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.