Bước vào quán Bread of life (số 4, đường Đống Đa, TP. Đà Nẵng), thực khách bị cuốn hút bởi cái không khí nho nhỏ, ấm cúng, bởi tất cả đều “nói” với nhau chỉ bằng mắt hay những cái gật đầu, cử chỉ ra hiệu hay những món ăn, thức uống lạ và ngon được làm bởi những con người khá đặc biệt...
Khách như người nhà
Tình cờ trở thành một thực khách của quán ẩm thực Bread of life (Miếng bánh của cuộc đời), dù chào hỏi bằng một câu khá lịch sự, cậu bảo vệ cũng chỉ đáp lại bằng một nụ cười duyên rồi đưa chúng tôi vào bên trong. Cô bé đứng quầy trông khá xinh cũng chỉ đáp lại bằng một nụ cười thay vì chào hỏi đon đả... Trong quán, khá nhiều người Việt Nam và ngoại quốc đang bận rộn với công việc riêng, dường như ai cũng muốn giữ cho nhau những phút giây yên tĩnh.
Thỉnh thoảng họ lại ngẩng lên đưa tay ra dấu và các món ăn, thức uống được mang ra. Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi những món ăn phương Tây thật ngon lành được mang ra nhưng giá khá “mềm” so với nhiều nơi. Một cốc cà-phê có giá 15 ngàn đồng, một đĩa bánh cuốn nóng giá 20 ngàn đồng, bánh Bagel nướng với kem phomat giá 22 ngàn đồng... và có cả món dành cho người ăn chay. Bread of life là một trong số ít những quán cà-phê, bánh mì nướng truyền thống Mỹ tại Việt Nam với nhiều món khá phong phú, từ bánh mì nướng truyền thống đến các món xúc xích kiểu Đức, phomát kiểu Thụy Sĩ, cà-phê kiểu Ý…
Biết chúng tôi là khách lạ, một cô gái chống nạng bước tới mỉm cười: “Các anh chị có yêu cầu gì thì nói với em nhé. Các bạn ở đây đều là khuyết tật khiếm thính, nhưng phục vụ thì rất chu đáo ạ”. Với những bộ đồng phục đỏ trông thật xinh, nếu Thảo không nói thì có lẽ rất khó biết 22 bạn trẻ ở đây đều là người khuyết tật. Dù chỉ “nói” bằng cử chỉ nhưng các bạn tỏ ra khá hiểu ý nhau nên công việc khá nhịp nhàng, khách đông cũng không ai phải chờ lâu. “Những ai đã đến quán một lần sẽ ghé lần thứ 2, thứ 3... nên ở đây khách quen cũng khá nhiều” - Thảo chia sẻ. Nhiều khách nước ngoài thân thiết đến nỗi còn được nhân viên của quán chở đi mua sắm và đến bác sĩ theo yêu cầu. Thậm chí đến ngày sinh nhật hay ngày lễ, một số nhân viên còn nhận được hoa, quà từ... khách.
“Mẹ” Liên!
Đến Việt Nam và làm việc trong Tổ chức World Concern (Tổ chức Quan tâm thế giới) với mục đích thực hiện những dự án giúp đỡ trẻ em khiếm thính cách đây hơn 10 năm, bà Kathleen Huff (thạc sĩ tâm lý, quốc tịch Mỹ) và chồng đã chọn Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Vần cuối tên của bà: Leen cũng được đổi thành “Liên”, một cái tên rất Việt Nam mà mọi người vẫn âu yếm gọi hằng ngày. “Đi nhiều, tiếp xúc với các trẻ em khiếm thính, hiểu được nỗi cô đơn của chúng trong ốc đảo của riêng mình và khao khát được làm việc, giao tiếp nên tôi nghĩ mình phải làm một việc gì đó” - Bà Kathleen mỉm cười phúc hậu. Và quán ẩm thực Bread of life ra đời từ đó, đến nay đã được gần 6 năm.
Từ buổi ban đầu chỉ có vài bạn khuyết tật, đến nay đã có 22 bạn khuyết tật khiếm thính được nhận vào làm. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ quán đều được bà dành cho các nhân viên. Một trong những người làm việc ở quán từ buổi đầu, bạn Thảo cho biết: Những năm đầu thu không đủ chi, bởi khách chưa biết nhiều, các nhân viên còn chưa thạo việc, bà Kathleen phải chạy vạy kiếm tiền bù lỗ cho quán mới hoạt động được đến ngày nay.
Tất cả nhân viên của quán đều gọi bà Kathleen Huff - chủ quán Bread of life-là “mẹ”. Chàng trai 25 tuổi Hồ Phước Bình (quê ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) “nói” về “mẹ” Kathleer Huff bằng cử chỉ: “Em làm ở quán được hơn 2 năm rồi. Cũng nhờ mẹ Liên dạy em biết pha chế cà-phê, biết làm việc. Lúc trước ở quê em chỉ quanh quẩn với bốn bức tường, buồn lắm. Mẹ Liên chẳng bao giờ rầy la bọn em dù chỉ một tiếng nhỏ. Thậm chí lúc bọn em khóc vì làm bể đồ hay có đứa làm hỏng bánh, mẹ lại ôm chúng em vào lòng và an ủi...”. Cứ đến mùa lạnh, bà Liên lại mua tặng mỗi em một cái áo ấm mới bằng số tiền riêng của mình. Từ các món ăn, uống cho đến cách sắp xếp bày biện bàn ăn thế nào, chính tay bà dạy cho các em. Thảo cho biết: “Hầu hết các bạn ở đây đều đã trải qua nhiều bộ phận như: Trang trí bánh kem, nấu ăn, chạy bàn… Mẹ Liên đã phải bỏ công tìm vị trí thích hợp với từng bạn để phân việc”.
Hãy cùng đến Bread of life để chia sẻ vị ngọt của những chiếc bánh kem hay vị ngọt của cuộc đời, thấm tình người.
Bài và ảnh: P. Trà