.

Trưng bày tư liệu, hiện vật huyện đảo Hoàng Sa ở Bảo tàng Đà Nẵng: Thiêng liêng Hoàng Sa!

.
Đó là những gì người ta có thể cảm nhận được qua hơn 100 tư liệu, hiện vật về huyện đảo Hoàng Sa đang được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng (BTĐN) như một biểu hiện giản dị mà thắm sâu tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào và cả ý chí quyết tâm bảo vệ gấm vóc non sông của người Đà Nẵng nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung…

Mô tả ảnh.
Họp mặt thường niên những người từng sinh hoạt và công tác tại quần đảo Hoàng Sa, do UBND huyện đảo Hoàng Sa tổ chức. (ảnh được trưng bày tại triển lãm)
 
Chúng tôi đến BTĐN đúng dịp có một đoàn học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ đến tham quan bảo tàng. Các em nô nức ùa vào gian triển lãm thông tin tư liệu về huyện đảo Hoàng Sa nằm ngay bên cánh trái sảnh trước BT. Một học sinh thốt lên: “Chiếc thuyền đẹp quá!”. “Thuyền của hải đội Hoàng Sa đó cháu”, cán bộ hướng dẫn của BT điềm đạm nói.
 
Cả đoàn học sinh xúm lại tò mò nhìn ngắm chiếc thuyền, ánh mắt vừa hiếu kỳ, vừa thích thú. Để các em được tự do tìm hiểu, người cán bộ bảo tàng quay sang giải thích với chúng tôi: “Mô hình ghe thuyền này có từ thế kỷ XVII-XVIII, do Tiến sĩ Nguyễn Nhã (chuyên gia về lịch sử Biển Đông) cung cấp, lúc bấy giờ UBND huyện đảo Hoàng Sa chịu trách nhiệm phục chế, cụ thể nghệ nhân Huỳnh Ri của làng mộc Kim Bồng, Hội An đã tự tay làm. Sau khi hoàn thiện, mô hình ghe thuyền được đưa về giới thiệu ở Phòng truyền thống huyện đảo Hoàng Sa (tại số 32 Yên Bái-Đà Nẵng) và bây giờ đang được trưng bày ở bảo tàng. Chúng tôi coi đây là điểm nhấn của lần trưng bày này”.

Nhìn đoàn học sinh say sưa với các bản đồ, thư tịch, tranh ảnh… về huyện đảo Hoàng Sa, mà chắc chắn các em chưa thể hiểu hết ý nghĩa, ông Hồ Đắc Trai, Phó Giám đốc BTĐN xúc động nói: “Mục đích lớn nhất của triển lãm lần này là nhằm tuyên truyền sâu rộng đến người dân, nhất là thế hệ trẻ ý thức về chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa”. Trong dòng cảm xúc, ông Trai nói tiếp, để có được hơn 100 tư liệu quý về Hoàng Sa hôm nay là kết quả của một quá trình nghiên cứu, sưu tầm, đặc biệt chúng ta phải kể đến công lao của chính quyền và nhân dân huyện đảo Hoàng Sa trong những năm qua đã nỗ lực trong việc tìm kiếm tư liệu, tổ chức gặp mặt nhân chứng…
 
Việc mở gian trưng bày triển lãm lần này cũng là một cách để ghi nhận, biết ơn cũng như động viên, khích lệ những con người đang thầm lặng nơi hải đảo xa xôi gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc. “Tất nhiên, triển lãm này chưa phải là tất cả những gì chúng tôi sẽ làm. Hiện BT tập trung chuẩn bị gian trưng bày về huyện đảo với 8 chuyên đề chuyên sâu, mọi thứ sẽ được hiện thực hóa khi thành phố phê duyệt đề án về trưng bày huyện đảo Hoàng Sa chúng tôi đã trình”, Phó Giám đốc BTĐN Hồ Bắc Toai khẳng định.

Triển lãm thông tin tư liệu về huyện đảo Hoàng Sa được mở tại BTĐN nhân sự kiện Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng lần thứ II, ngày 16-10 vừa qua. Dự kiến triển lãm sẽ kéo dài cho đến cuối năm 2011.
“Các em, đây là An Nam Đại quốc họa đồ (Bản đồ Việt Nam kèm trong cuốn từ điển La tinh-Việt Nam của Giám mục Jean Louis Taber xuất bản năm 1938, có vẽ một phần của “Paracel hay Bãi cát vàng” vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện nay); đây là Bản đồ châu Á do người Bồ Đào Nha vẽ vào thế kỷ XVI; đây là Dụ, tấu các thư tịch triều Nguyễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa… Kia là Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa do người Pháp dựng năm 1938 ghi “Cộng hòa Pháp-Vương quốc An Nam, đảo Hoàng Sa năm 1816-1938”… Ngay cả bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa chưa thuộc về họ, các em xem… Và đây là những hoạt động tiếp tục khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, của chính quyền và nhân dân Đà Nẵng trong những năm qua”…

Giọng người thuyết minh lưu loát, rắn rỏi về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi, hai tiếng Hoàng Sa mãi là niềm tự hào của mọi con dân đất Việt.

Bài và ảnh: Thanh Tân
;
.
.
.
.
.