.

Đá san hô Trường Sa ở Bảo tàng Đà Nẵng

.

Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng bề thế, khang trang nằm trên đường Trần Phú, với diện tích 6.000m2, là nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật về địa lý, tự nhiên, con người thành phố Đà Nẵng trong quá trình hình thành và phát triển cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược...

Giáo viên, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đang tìm hiểu về đá san hô Trường Sa và cây bàng trái vuông tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Giáo viên, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đang tìm hiểu về đá san hô Trường Sa và cây bàng trái vuông tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Trong tổng thể không gian trưng bày có 2 vị trí giới thiệu về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Ngay phía trước bên trái tiền sảnh, chúng tôi thấy 21 phiến đá san hô đặt trang trọng nổi trên hồ nước, cỏ đã bắt đầu xanh tô điểm cho đảo, những cây bàng trái vuông xanh tươi trong khuôn viên đang nảy chồi xanh biếc. Ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: Bảo tàng Đà Nẵng mỗi ngày đón tiếp hàng trăm lượt khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu.

Đá san hô Trường Sa được đặt trang trọng trong khuôn viên Bảo tàng là một việc làm có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, là minh chứng vô giá khẳng định chân lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, đồng thời nhắc nhở nhân dân cả nước nói chung, người dân Đà Nẵng nói riêng về trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để những phiến đá san hô trường tồn trong lòng thành phố và những cây bàng trái vuông ngày một tươi tốt, sớm nở hoa, kết trái, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Đà Nẵng thường xuyên bảo quản, chăm sóc, nâng niu, quý trọng.

Qua quan sát, chúng tôi thấy có rất nhiều trường học trên địa bàn thành phố chọn nơi đây là điểm học tập ngoại khóa. Các học sinh lớp 11/11, Trường THPT Phan Châu Trinh vừa ngắm từng phiến đá mang tên đảo Trường Sa, Sơn Ca, Song Tử, Sinh Tồn, Nam Yết... vừa chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về 21 phiến đá san hô, món quà của cán bộ, chiến sĩ Tường Sa tặng chính quyền và nhân dân Đà Nẵng. Đây là biểu tượng của 21 đảo với 33 điểm đóng quân của Hải quân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa; càng cảm phục hơn khi được nghe về những chiến công của bộ đội Hải quân đã đổ bao mồ hôi, xương máu để giữ từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song các chiến sĩ Hải quân vẫn ngày đêm vững tay súng canh giữ biển, đảo của đất nước.

Cô giáo  Lê Thị Thu Thủy  bộc bạch: “Những giờ học ngoại khóa như thế này hết sức thiết thực, bổ ích với những minh chứng sống động đối với cô trò chúng tôi. Bởi ở đây chưa ai được đặt chân đến đảo Trường Sa, qua những giờ học như thế này các em sẽ có được những kiến thức cơ bản về biển, đảo Việt Nam; điều quan trọng là các em nhận thức được Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của chúng ta, từ đó khơi dậy cho lớp trẻ ý thức, trách nhiệm của mình đối với biển, đảo quê hương ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Khi các bạn học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh chuyển sang khu trưng bày các hiện vật về quần đảo Hoàng Sa, chúng tôi lại tiếp cận với nhóm bạn trẻ đang tìm hiểu và chụp ảnh bên cây bàng trái vuông.

Thấy chúng tôi mặc quân phục Hải quân, các cháu Phạm Thị Quỳnh Nhi và Võ Hoàng Khánh Trang cùng các bạn lớp 6/5 Trường THCS Nguyễn Huệ quấn quýt trò chuyện, thi nhau hỏi về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và cây bàng trái vuông. Sau khi được biết đây là cây bàng quả vuông, loài cây chịu được sóng gió, khí hậu khắc nghiệt nhất ở quần đảo Trường Sa, thể hiện thế đứng và sức sống mãnh liệt nơi tiền tiêu Tổ quốc thì lấy làm thích thú. Cháu Quỳnh Nhi hồn nhiên khoe với chúng tôi: “Các buổi học nhóm, chúng cháu thường tranh thủ đến các bảo tàng để tìm hiểu thêm về lịch sử; mặc dù mới đến Bảo tàng Đà Nẵng 2 lần nhưng cháu đã thuộc tên 21 đảo rồi đấy chú ạ! “. Như sợ chúng tôi chưa tin, Quỳnh Nhi xòe tay bấm đốt và đọc vanh vách tên của 21 đảo khiến cho chúng tôi ngạc nhiên thực sự.

Để Trường Sa gần gũi hơn nữa với đất liền, khẳng định biển, đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, khẳng định chủ quyền của quốc gia dân tộc, vừa qua đá san hô biểu tượng của quần đảo Trường Sa và cây bàng trái vuông tiếp tục được cán bộ, chiến sĩ Hải quân chuyển về tặng và đặt trang trọng ngay Trung tâm Hành chính quận Sơn Trà và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, được Đảng bộ, chính quyền địa phương, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đón nhận, nâng niu, quý trọng.

Bài và ảnh: DUY KHANH

;
.
.
.
.
.