Đó là tâm nguyện của người đã có hơn 35 năm công tác trong ngành văn hóa- nhiếp ảnh gia Trương Văn Ẩn - tác giả bộ sưu tập hơn 150 bức ảnh về Lễ hội Chăm, được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam vừa qua.
Lễ Palau Sal (Lễ cầu đảo) tại cửa biển Mỹ Tân và cửa biển Vĩnh Trường. |
Thực tế, hơn 150 bức ảnh đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ bộ sưu tập của người thích kể chuyện văn hóa Chăm bằng hình ảnh. Chúng tôi thực sự cảm phục khi nghe ông bảo lần ra Đà Nẵng này, ông đã chọn lựa rất kỹ trên 200 bức ảnh trong hơn 1.000 bức về lễ hội Chăm Ninh Thuận mà ông đã dày công thực hiện suốt 12 năm trời. “Có lẽ xuất phát điểm từ nhiệm vụ làm luận văn tốt nghiệp lớp cao học “Văn hóa học” tại trường Đại học văn hóa Hà Nội, niên khóa 1995-1997. Lần đó tôi chọn đề tài “Ca múa nhạc trong lễ Rija Praung của người Chăm Ninh Thuận”.
Qua nghiên cứu tài liệu và điền dã, tôi ngộ ra rằng người Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận còn lưu truyền nhiều lễ hội truyền thống rất đặc thù, gắn liền với tín ngưỡng tâm linh và đời sống thực tại của họ. Vậy tại sao mình không cố gắng ghi lại những hình ảnh đó để sau này kể lại câu chuyện lễ hội văn hóa Chăm bằng hình ảnh, nếu có cơ hội?”. Tác giả giải bày cơ duyên dẫn dắt ông đến với bộ sưu tập ảnh.
Kể từ đó, hễ nghe đâu có lễ hội là ông tức tốc đến ngay, bất chấp thời gian hay những bận bịu thường nhật. Nhọc nhằn không kể hết bởi Lễ hội người Chăm diễn ra trên phạm vi rộng lớn, từ đền tháp cho đến cộng đồng làng (palei), rồi gia đình, tộc họ, cá nhân. Lễ không chỉ diễn ra ban ngày mà còn diễn ra ban đêm, có khi thâu đêm suốt sáng như lễ nhập Kut, lễ Rija Praung. Có lễ diễn ra tận trên núi cao như lễ Pô Nai mà có lần đôi chân của ông đã phải chịu đựng cảm giác sưng tấy đau nhức hơn 2 tháng ròng… Nhọc nhằn là vậy, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, tác giả không một lời ta thán hay biểu lộ đôi chút hối hận, ông chỉ tiếc là có một số lễ hội, ông chụp bằng phim, không scan liền vào CD nên nay nó đã xuống màu.
Người kể chuyện văn hóa Chăm bằng hình ảnh thú nhận, ông không thể nào kìm nén được cảm xúc mỗi khi bắt gặp những âm thanh rộn rã, những điệu vũ mê hồn trong các lễ hội của người Chăm. Thật độc đáo và kỳ diệu, nếu không nhanh chóng ghi lại thì thật uổng phí một vốn quý trong kho tàng văn hóa dân tộc. Quả thực, ai đã có dịp được ngắm nhìn hơn 150 ảnh với nhiều góc nhìn, chú thích một cách công phu, tỷ mẫn về Lễ Katê; lễ Ramưwan; Lễ Tảo mộ; lễ Cha bun (lễ mẹ xứ sở), lễ Yươr yang (lễ cầu đảo) tại đền tháp; lễ Rija Nưgar (lễ tống ôn đầu năm); lễ Palau sah (lễ cầu đảo) ở các cửa biển; lễ Rija Harei (lễ múa ban ngày); lễ Rija Praung (lễ múa lớn); lễ cúng đập nước Kaya; Lễ tôn chức phó cả sư (Tapah) và thầy Bà xế (puah); lễ Karơh (lễ cắt tóc); lễ cưới của người Chăm Ahiêr và Chăm Awal; lễ Ndam cuh (lễ hỏa táng)… thì hẳn sẽ ít nhiều đồng cảm với một tấm lòng!
“Điều ao ước và tâm nguyện lớn nhất của tôi bây giờ là làm sao tập sách ảnh về Lễ hội Chăm được dịch ra tiếng Chăm, Việt, Anh, Pháp… Khi đó, vốn văn hóa quý giá này không những sẽ được bảo tồn trong đất nước Việt Nam mà còn có dịp được giao lưu với bạn bè quốc tế. Khi đó, hiệu quả của sự bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa (phi vật thể) sẽ được nâng lên một bậc”. Ông nói khi chia tay chúng tôi.
Trương Văn Ẩn, sinh năm 1954 tại tỉnh Bình Thuận. Sau năm 1975, ông là cán bộ Thư viện, văn hóa thông tin, triển lãm, di tích, bảo tàng… của hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Hiện ông là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Phòng trưng bày “Lễ hội Văn hóa Chăm Ninh Thuận - Tư liệu ảnh” của tác giả Trương Văn Ẩn khai mạc ngày 22-11-2011 cho đến hết tháng 12-2011 tại bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. |
Bài và ảnh: Thanh Tân