.
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm:

Bạn đọc trông chờ những tác phẩm mới, lạ…

.

Mô tả ảnh.

Nguyễn Nho Khiêm làm thơ, viết tiểu luận phê bình... nhưng cốt cách lại giống một nhà sư phạm, nhỏ nhẹ , mô phạm... Vì thế khi anh nói đến một vấn đề nào đó, là anh đã nghĩ rất kỹ và có những đắn đo để đưa ra những nhận định của mình một cách thấu đáo. Nhất là những đánh giá  về con người và tác phẩm văn học Đà Nẵng.

 

Dưới đây là cuộc trao đổi ngắn giữa nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm (ảnh) với cây bút trẻ Phương Ngạn - CTV báo Đà Nẵng về những vấn đề liên quan đến tác giả và tác phẩm của văn học Đà Nẵng thời gian qua...

* Phương Ngạn: Là Chủ tịch Hội Nhà văn và Tổng Biên tập Tạp chí Non Nước, anh suy nghĩ như thế nào về những tác phẩm văn học ở Đà Nẵng trong thời gian qua?

- Nguyễn Nho Khiêm: Lực lượng sáng tác văn học tại Đà Nẵng hiện nay gồm nhiều thế hệ: thế hệ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ và nay tiếp tục sáng tác như Lưu Trùng Dương, Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Bùi Công Minh…; từ cuộc đấu tranh đô thị miền Nam trước 1975 như Đông Trình, Nguyễn Đông Nhật…; thế hệ trưởng thành sau 1975 là đông đảo nhất, đây là lực lượng sáng tác chính hiện nay với những tên tuổi quen thuộc như Hồ Trung Tú, Trương Điện Thắng, Trần Trung Sáng, Võ Kim Ngân, Nguyễn Kim Huy, Bùi Tự Lực, Lê Anh Dũng, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Ngọc Hạnh… Bên cạnh đó, lực lượng viết văn trẻ tiếp tục hình thành và có nhiều triển vọng như Lê Trung Kiên, Đoàn Minh Châu, Nguyễn Thị Anh Đào, Lê Nguyễn Quốc Việt, Phạm Nguyễn Ca Dao, Huỳnh Lê Nhật Tấn…

Về những tác phẩm văn học trong thời gian qua? Trước hết, tôi rất vui khi lực lượng viết văn của thành phố ngày càng đông đảo, tuy chưa có những đỉnh cao trong tác phẩm,  nhưng chất lượng ngày một nâng cao rõ rệt. Mỗi năm có khoảng dưới 20 tác phẩm mới của các tác giả Đà Nẵng được xuất bản. Trong những năm qua, một số tác phẩm văn học Đà Nẵng đã để lại những dấu ấn nhất định trên con đường sáng tạo văn chương, như các  tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân, Đông Trình, Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Vĩnh Quyền, Trần Trung Sáng...

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nỗi buồn, đó là còn những tác phẩm nhàn nhạt lấn át tác phẩm hay. Như năm 2011 này, hội viên Hội Nhà văn thành phố đã xuất bản 2 tiểu thuyết và 11 tập thơ, nhưng Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn đọc đi đọc lại, nâng lên đặt xuống nhiều lần vẫn không tìm ra được một tác phẩm thật hay để trao giải thưởng của Liên hiệp các Hội VH-NT thành phố. Anh em sáng tác trẻ chưa có tác giả nào khẳng định mình, mặc dù tuổi đời đều trên 30 cả rồi.

Thực tế, nhiều tác giả còn viết theo lối mòn, chưa có ý tưởng đột phá trong sáng tạo nghệ thuật. Trông chờ một tác phẩm hay, một tác phẩm mới lạ là điều bạn đọc luôn mong ngóng, nhưng chưa biết chờ đến bao giờ.

* Phương Ngạn: Là một thi sĩ, đồng thời là thạc sĩ văn chương, về khía cạnh học thuật, anh thấy trào lưu Hậu hiện đại tại Việt Nam phát triển như thế nào? Dự đoán của anh về trào lưu này?

- Nguyễn Nho Khiêm: Thật sự tôi ít quan tâm tìm hiểu các trào lưu văn học, trong đó có trào lưu văn học hậu hiện đại đang “hot” hiện nay. Khi đọc một tác phẩm văn chương tôi chỉ quan tâm tác phẩm đó hay/dở, cũ/mới mà thôi!

Tôi được biết rằng văn học hậu hiện đại là trào lưu văn học xuất hiện sau chiến tranh thế giới lần thứ hai tại một số nước phương Tây. Đỉnh cao của trào lưu văn học này là vào những năm 1970, 1980 với hàng loạt cách tân về nội dung và hình thức nhằm phản ứng lại các quy chuẩn của văn học hiện đại.

Ở nước ta trong những năm gần đây có một số tác giả sáng tác theo phong cách hậu hiện đại, đã để lại dấu ấn nhất định, nhưng chưa phải là “trào lưu”. Sự tiếp nhận của độc giả đối với văn học hậu hiện đại còn dè dặt, hình như độc giả cần một cái gì hay hơn nữa, mới hơn nữa.

* Phương Ngạn: Dự định xuất bản thơ của (cá nhân) anh trong năm tới?

- Nguyễn Nho Khiêm: Trong năm 2011, tôi  sẽ xuất bản tập thơ “Nắng trên đồi”, tập thơ tập hợp những bài thơ tôi làm rải rác trong nhiều năm qua, có nhiều bài tôi viết những năm 1990 nay đọc lại thấy thương nên tôi cũng đưa vào tập này.

* Phương Ngạn: Tác phẩm thơ anh tâm đắc?

- Nguyễn Nho Khiêm:  Tôi vẫn chọn Truyện Kiều của Nguyễn Du và Thơ Dâng của Rabin Dranash Tagore, tôi thường xuyên đọc đi đọc lại 2 tác phẩm này.

Còn hiện nay, tôi tâm đắc dòng thơ của các tác giả trẻ, thật khó chọn ra tác phẩm/ tác giả nào tâm đắc nhất, nhưng khi đọc thơ của các bạn trẻ, tôi luôn thích thú vì phía sau những dòng thơ đó tôi luôn tìm được câu chữ mới, ý tứ mới. Thậm chí nhiều bài thơ tôi đọc không hiểu lắm nhưng tôi vẫn cảm nhận nơi đây những hơi thở mới của thơ ca, của đời sống.

* Phương Ngạn:  Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này.

;
.
.
.
.
.