.

Quỹ điêu khắc Đà Nẵng: Biểu tượng của tình hữu nghị Đà Nẵng - Na Uy

.

Sau 10 năm thành lập, Dự án Điêu khắc Đà Nẵng (nay là Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng) đã nỗ lực không ngừng, tạo cầu nối bắt nhịp cho sự giao lưu văn hóa, hợp tác và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Na Uy.

Tượng “Người đàn ông dẫn ngựa” được đặt trang trọng trong Công viên Điêu khắc tại thị trấn Tolga (Na Uy). (Ảnh do Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng cung cấp)
Tượng “Người đàn ông dẫn ngựa” được đặt trang trọng trong Công viên Điêu khắc tại thị trấn Tolga (Na Uy). (Ảnh do Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng cung cấp)

Nhà Điêu khắc Phạm Hồng nhớ lại, năm 2001, trên cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Đà Nẵng, ông đã gặp gỡ và cùng với nhà điêu khắc người Na Uy Oyvin Storbaekken hình thành ý tưởng ban đầu về một dự án đào tạo thợ điêu khắc ở Non Nước. Ông không ngờ rằng, từ đây đã tạo nên một dấu ấn đáng nhớ, thể hiện một chặng đường dài trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Na Uy ngày càng thắt chặt và phát triển.

Mười năm đã qua, Dự án ngày càng phát triển. Ông Hồ Hải Học, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, người theo sát Dự án ngay từ những ngày đầu cho biết, ngay từ đầu dự án đã đi vào hoạt động rất nhanh và hiệu quả, nhiều trẻ em mồ côi có năng khiếu được tuyển chọn để đào tạo nghề. Qua một thời gian ngắn, đã đào tạo được 13 thợ điêu khắc trẻ có tay nghề cao, tiếp cận được các kỹ thuật điêu khắc tiên tiến, hiện đại, làm cơ sở cho những hoạt động giao lưu văn hóa của hai nước.

Năm 2006, nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Na uy, được sự tài trợ của Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng, Hội trại điêu khắc Việt Nam - Na Uy đã được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Hội trại đã tạo cơ hội cho 4 nhà điêu khắc Na Uy, 7 nhà điêu khắc Việt Nam và các thợ điêu khắc của Dự án được làm việc cùng nhau, trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm và hiểu biết thêm về nghệ thuật và văn hóa của 2 quốc gia. Mười hai tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của Hội trại được trao tặng cho thành phố Đà Nẵng trưng bày dọc bờ đông sông Hàn, là biểu tượng bền vững cho sự giao lưu văn hóa, hợp tác và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Na Uy.

Tự hào và ý nghĩa hơn khi chiếc cầu Tolga được làm hoàn toàn bằng đá, bắc qua một con suối tại thị trấn Tolga (Na Uy) năm 2006 và các tượng như Xưởng cưa, Lò rèn, Cô gái vắt sữa... là những tác phẩm nghệ thuật bằng đá do 9 thợ điêu khắc đá tiêu biểu đến từ thành phố Đà Nẵng thực hiện trong năm 2007, đang được đặt trang trọng ở Tolga. Điều đó một lần nữa đã khẳng định hiệu quả mang lại từ Dự án là rất lớn và thật ý nghĩa.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong hai năm 2010 và 2011, Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng đã tham gia nhiều triển lãm lớn trên toàn quốc. Đặc biệt, Quỹ tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà điêu khắc nước ngoài và tiếp tục quan hệ hợp tác với thị trấn Tolga (Na Uy) trong việc thi công thực hiện tượng “Người đàn ông dẫn ngựa” trong công viên điêu khắc ở thị trấn này. Hiện nay, Quỹ đang kêu gọi đầu tư 4 tác phẩm  được chọn lựa trong 19 phác thảo từ trại sáng tác điêu khắc năm 2010 để phát triển thành tượng công cộng dành tặng cho thành phố  Đà Nẵng.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác với Na Uy, Quỹ đã hợp tác với thị trấn Tolga và nhà điêu khắc Oyvin Storbaekken thực hiện tượng đài “Xưởng đúc đồng” (cao 6,2m bằng đá granite đen), tượng đài đã được lắp đặt hoàn chỉnh tại Công viên điêu khắc. Ngoài ra, Quỹ tiếp tục mở rộng giao lưu với nhiều nhà điêu khắc quốc tế, trong đó đón tiếp 7 nhà điêu khắc từ các nước Na Uy, Hà Lan, Canada, Úc, New Zealand đến trực tiếp làm việc tại Quỹ, tham gia sáng tác nghệ thuật, đồng thời tìm hiểu về văn hóa, con người Đà Nẵng và đất nước Việt Nam. Quỹ cũng thực hiện một số tác phẩm điêu khắc nghệ thuật lớn được trưng bày tại các khu vực công cộng ở Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Singapore... Các hoạt động hợp tác, giao lưu nghệ thuật này góp phần quảng bá tay nghề, sản phẩm điêu khắc đá của Đà Nẵng và hình ảnh của thành phố với nhiều nước khác trên thế giới.

Bà Phan Quỳnh Hương, Giám đốc Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng cho biết, hiện nay Quỹ có chủ trương hợp tác với Lào trong lĩnh vực đào tạo thợ điêu khắc và giới thiệu sản phẩm điêu khắc Đà Nẵng sang Lào. Ở tầm nhìn chiến lược, Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm về điêu khắc và văn hóa, nơi thu hút, truyền cảm hứng sáng tạo nghệ thuật và giao lưu văn hóa giữa các nghệ nhân Việt Nam và trên thế giới.

NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.