.

Tìm về quá khứ !

.

Theo suốt dặm dài lịch sử, các thế hệ cư dân Đà Nẵng đã sáng tạo và để lại nhiều di tích, di vật văn hóa quý giá đang còn tiềm ẩn trong lòng đất và trong cộng đồng dân cư. Những đặc trưng văn hóa đó sắp được mở ra khi Trung tâm Quản lý Di sản Đà Nẵng và Viện Khảo cổ học Việt Nam sẽ có cuộc điều tra, khảo sát tổng thể di chỉ khảo cổ học trên địa bàn thành phố.

Hiện vật Chăm được phát hiện ở di tích Phong Lệ
Hiện vật Chăm được phát hiện ở di tích Phong Lệ

Từ trước đến nay, lịch sử vùng đất Đà Nẵng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Đến nay đã có một số công trình, đề tài nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của vùng đất này. Nhưng nhìn chung, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được đề cập nghiên cứu, thậm chí có những giai đoạn lịch sử còn trống. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn tài liệu, trong đó có khảo cổ học. Bên cạnh đó, Đà Nẵng là một thành phố đang diễn ra quá trình đô thị hóa hết sức mạnh mẽ. Nếu không kịp thời nghiên cứu khảo cổ học thì khi hàng loạt các dự án, công trình xây dựng có quy mô lớn được triển khai sẽ có ảnh hưởng nhất định đến di sản văn hóa trong lòng đất, và có thể nó sẽ bị chôn vùi mãi mãi.

Điều đó cho thấy, đã đến lúc phải tiến hành nghiên cứu khảo cổ học ở Đà Nẵng một cách đầy đủ và toàn diện. Từ khảo cổ học Tiền - Sơ sử đến khảo cổ học Chămpa và Đại Việt, trên  địa bàn các quận, huyện. Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản Đà Nẵng thì: “Đây là một việc làm có tính cấp thiết, không chỉ góp phần tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hiểu biết về quá khứ để nâng cao ý thức, tình cảm của người dân Đà Nẵng về truyền thống lịch sử quê hương, mà còn vì sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong hiện tại và tương lai”.

Mục đích hướng đến trong cuộc “tổng điều tra” lần này là lập bản đồ các di tích văn hóa Khảo cổ học. Trên cơ sở đó, sẽ giúp cho việc giải phóng mặt bằng, xây dựng và chỉnh trang đô thị được thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố một cách bền vững. Trên cơ sở tài liệu thu được qua điều tra, thám sát, khai quật khảo cổ học, sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá giá trị lịch sử văn hóa và xác định ý nghĩa lịch sử - văn hóa của di sản khảo cổ học trong kho tàng di sản văn hóa của thành phố, góp phần cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của thành phố được đầy đủ và khoa học hơn.

Từ những kết quả nghiên cứu sẽ được tập hợp, hệ thống hóa, biên soạn thành sách xuất bản phục vụ cho việc giới thiệu, quảng bá rộng rãi trong nhân dân và khách du lịch trong ngoài nước về văn hóa - lịch sử thành phố Đà Nẵng. Qua đó, định hướng cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đây là cuộc điều tra, khảo sát tổng thể di chỉ khảo cổ học có quy mô lớn, có giá trị khoa học và thực tiễn cao trên địa bàn thành phố. Để thực hiện tốt được mục tiêu đề ra, Trung tâm Quản lý di sản Đà Nẵng và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã lên kế hoạch cụ thể, chi tiết cho từng giai đoạn. Với mục đích đã đề ra và kế hoạch cụ thể đó, nhất định cuộc “tổng điều tra” di chỉ khảo cổ học trên địa bàn thành phố vào đầu năm 2012 sẽ thành công tốt đẹp - Ông Hồ Tấn Tuấn vui mừng cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.