Liên hoan tiếng hát sinh viên Đà Nẵng năm 2011 vừa diễn ra trong không khí của Đại hội Hội Sinh viên thành phố lần thứ II đã thành công ngoài mong đợi. Một lần nữa, những giọng ca “vàng”, “bạc” hay “kim cương” (theo cách gọi của giới sinh viên) và cả những giọng ca lần đầu tiên bước lên sân khấu có dịp thể hiện năng khiếu, tài năng, tình yêu ca hát...
Một tiết mục ca hát tại Liên hoan Tiếng hát sinh viên thành phố Đà Nẵng năm 2011. |
Đam mê...
Trần Văn Vũ, sinh viên lớp 09T1A, khoa Quản trị mạng, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng bắt đầu tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường từ những năm học tiểu học. Suốt những năm học phổ thông cho đến bây giờ, gần 3 năm trên ghế giảng đường đại học với Vũ, ca hát luôn là niềm yêu thích số một: Có thể hát trong giờ giải lao sau những tiết học căng thẳng, hát trên sân khấu nhà trường, hát tại các hội thi, hội diễn của thành phố… Vừa rồi, tại Liên hoan tiếng hát sinh viên do Hội Sinh viên thành phố tổ chức, ca khúc “Yêu đời” do Vũ thể hiện là một trong những tiết mục đặc sắc được chọn trong đêm công diễn. Những giai điệu quen thuộc như “…Hãy hát cho quên đi sầu lo. Và hãy sống cho tình yêu. Hãy sống vui lên đi bạn ơi. Vì cuộc sống đang chờ ta. Quên đi những muộn phiền. Và hãy sống cho tình yêu trái tim mình…” trở thành phương châm sống của rất nhiều bạn trẻ hiện nay.
“Văn nghệ cũng như tất cả các hoạt động khác của tuổi trẻ đều phải xông xáo, đi đầu. Chuyện ca hát, văn nghệ cũng cần có tinh thần xung kích, nghiêm túc chứ không phải hát nghĩa là chơi chơi”, Phạm Trung Tuyên, cũng một fan ca hát, đang học văn bằng 2, khoa Quản trị kinh doanh-đội trưởng đội Văn nghệ xung kích của Trường Đại học Duy Tân nhiệt tình lý giải cái tên “xung kích” của đội văn nghệ trường mình.
Cần những sân chơi mới
Phạm Mai Anh, sinh viên khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Duy Tân vừa đạt giải nhất cuộc thi Due English Idol-cuộc thi hát bằng tiếng Anh do See Club-Đại học Kinh tế phối hợp với Trung tâm Anh ngữ Uc-Sài Gòn tổ chức, bộc bạch: Nhận được thông tin về cuộc thi (từ một người bạn), không đợi ai thúc giục, Mai Anh bắt tay vào tập luyện cật lực, chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi, nhưng đến hôm chính thức lên sân khấu “quả thật là em hơi ngạc nhiên vì lượng thí sinh dự thi không thật đông như em tưởng. Nếu mọi thứ “hoành tráng” hơn một chút, có lẽ chúng em sẽ thể hiện “sung hơn”.
Sở dĩ Mai Anh idol nói như vậy là vì cô nhận thấy xung quanh có rất nhiều bạn trẻ yêu ca hát, thích thể hiện nhất là những ca khúc bằng tiếng Anh. “May là em được một người bạn học trường Kinh tế khoe về cuộc thi nên mới biết, không thì chắc là em để lỡ mất một cơ hội tốt”. Như trường hợp của đội trưởng Tuyên “xung kích” đã từng đạt giải 3 trong Liên hoan tiếng hát sinh viên toàn quốc (2008) nhưng từ đó đến nay, quanh năm, ngoài việc học bạn chủ yếu bận rộn với các chương trình văn nghệ của trường, không nói ra nhưng Tuyên luôn mong muốn được đứng trên những sân khấu lớn tại thành phố để có dịp cọ xát, và có thể khám phá được hết khả năng ca hát của mình. Văn Vũ cũng không giấu giếm ước mơ sau này sẽ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp nhưng em chưa biết sẽ bằng cách nào…
“Nhu cầu ca hát của các bạn trẻ hiện nay là rất lớn - Một nhu cầu lành mạnh. Thế nên, hằng năm, thành phố cũng chú trọng tổ chức những cuộc thi lớn để các bạn có dịp thể hiện như Liên hoan tiếng hát sinh viên thành phố; Liên hoan tiếng hát truyền hình thành phố thường niên; Liên hoan tiếng hát thành phố Hồ Chí Minh tuyển tại Đà Nẵng… Vấn đề là bên cạnh mong muốn, các em muốn nắm chắc mọi cơ hội thì phải biết cập nhật thông tin”, Nhạc sĩ Thái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng, Trưởng ban Văn nghệ Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng nói.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên