.

Tái hiện Hội Xuân xưa

.

Với chủ đề “Hội Xuân xưa và nay” được lồng trong không gian văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Hoa Xuân Nhâm Thìn 2012 (HHX) tại Công viên 29-3 (Đà Nẵng) hứa hẹn sẽ được nâng tầm và hoàn thiện hơn so với những năm trước.

Một góc xuân yêu thương tại Hội hoa xuân Đà Nẵng năm 2010.
Một góc xuân yêu thương tại Hội hoa xuân Đà Nẵng năm 2010.

Năm Nhâm Thìn 2012 là năm con Rồng nên nội dung của HHX sẽ có các chương trình biểu diễn mới như: Sự tích Tiên Rồng (Lạc Long Quân và Âu Cơ); Long, Lân tranh châu; Hình tượng Rồng hoa qua các triều đại (Lý, Trần, Lê, Nguyễn); Sự tích Mai An Tiêm; Vũ hội mừng xuân; Hồn sen đất Việt và các tiểu cảnh bằng gốm, đá, tranh, hoa... thể hiện nét đặc sắc của văn hóa dân gian vùng, miền của dân tộc Việt Nam.

Theo Ban tổ chức, chương trình “Không gian văn hóa dân tộc” sẽ tái hiện một số loại hình nghệ thuật dân gian có từ lâu đời của cha ông ta, tạo nên sự đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em, tăng cường gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong đời sống cộng đồng. Trong đó, “Không gian văn hóa dân tộc Kinh” sẽ được tái hiện lại với Không gian đình làng và sân khấu dân gian. Tại đây sẽ trưng bày 300 tác phẩm hoa, tiểu cảnh. Giữa sân dựng cây nêu ngày Tết. Hai bên sân là hai dãy lều tranh, một dãy trưng bày câu đối Tết, ông Đồ “cho chữ” đầu xuân; một bên trưng bày các tác phẩm thư pháp và tranh dân gian ngày xuân, trên sân cỏ trưng bày hình tượng Rồng hoa qua các triều đại.  

Để nâng tầm HHX, Ban tổ chức đã xây dựng các chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc: Sự tích Tiên Rồng; Long, Lân tranh châu; biểu diễn thi đấu Cờ người, Roi trường, Trống hội mừng xuân, Hồn sen đất Việt; các chương trình nghệ thuật dân gian mang đặc trưng vùng, miền như hát dân ca bài chòi, gánh hát bội, hát cải lương, thơ văn hò vè và các điệu múa, làn điệu dân ca 3 miền, biểu diễn trang phục các dân tộc… Lễ hội mừng xuân và Hái lộc đầu xuân sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 mồng 1, mồng 2, mồng 3 Tết tại sân đình làng. Khách du xuân vào đình làng sẽ được tặng phiếu tham gia hái lộc để nhận quà từ 3 ông Phước, Lộc, Thọ và thưởng thức ca múa nhạc dân gian Cung chúc tân xuân.

Ngoài ra, trong “Không gian văn hóa dân tộc Kinh” còn có các khu ẩm thực truyền thống; bán quà lưu niệm dân gian; hội bài chòi; trưng bày các loài chim và các tác phẩm đá cảnh; hội thi vẽ tranh, thư pháp; trưng bày, thi viết truyền thuyết các loài hoa, tạo dựng không gian xưa và các trò chơi dân gian.

“Không gian văn hóa các dân tộc anh em” được tổ chức tại khu nhà sàn. Phía trước sân cũng dựng cây nêu ngày Tết theo phong tục cổ truyền đồng bào dân tộc Cơtu, hình ảnh các cô gái dân tộc gánh hoa đi dự hội, trưng bày các tác phẩm hội họa về đồng bào các dân tộc và không gian văn hóa các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó sẽ triển lãm tranh, ảnh, trang phục và các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan gùi, làm gốm, vẽ tranh dân tộc...

Để tạo sự hấp dẫn cho HHX năm nay, Ban tổ chức sẽ huy động những nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ các đoàn nghệ thuật của Đà Nẵng và ngoài thành phố như: Hội An, làng Gốm Chăm tỉnh Bình Thuận, dân tộc Cơtu...; cùng đoàn viên, thanh niên của các câu lạc bộ, thiếu nhi ở các trường học.  

Hội Hoa Xuân Nhâm Thìn 2012 thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra từ ngày 21-1-2012 (nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Tân Mão) đến hết ngày 29-1-2012 (nhằm mồng 7 tháng Giêng năm Nhâm Thìn). Ngoài Khu Không gian văn hóa dân tộc Kinh và Không gian văn hóa các dân tộc anh em, khu Tết sẽ diễn ra các hội thi và biểu diễn văn hóa-văn nghệ với việc trưng bày nghệ thuật hoa viên, bao gồm các loại cây kiểng, bonsai, hoa tươi, đặc biệt là bộ sưu tập các loài lan, bát tiên, xương rồng, cây khô, đá nghệ thuật, tiểu cảnh, non bộ...; tổ chức Hội thi Búp bê xuân, thời trang xuân, tài năng nghệ thuật, liên hoan hát múa Em đi trong nắng xuân; ca múa nhạc Mừng Đảng mừng Xuân; Long, lân quần hội; Long, Lân tranh châu; xiếc mô-tô bay; ca nhạc Nụ cười xuân; diễu hành vũ hội mừng xuân và múa rối, lộc xuân - ca múa nhạc Chào xuân mới.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.