.

Ai quản lý CD mê tín dị đoan

.

Trước tình hình “đầu ra” khá hấp dẫn của các sách mê tín dị đoan nhân dịp đầu năm mới, một số người am hiểu về công nghệ thông tin cũng đã nhanh chóng nhập cuộc bằng cách “số hóa” các loại sách, hoặc copy thông tin về lĩnh vực tướng số từ trên Internet vào CD bán ra thị trường.

Đằng sau những CD phim hoạt hình trẻ em, bao giờ cũng kèm theo khá nhiều loại CD mê tín dị đoan.
Đằng sau những CD phim hoạt hình trẻ em, bao giờ cũng kèm theo khá nhiều loại CD mê tín dị đoan.

Đang đứng tại khu vực cầu vượt Hòa Cầm để quan sát tình hình “xe dù, bến cóc” đầu năm, tôi đã được một chị tay xách nách mang đủ thứ sách báo và CD đến mời: “Ông anh đi Sài Gòn à, lấy mấy CD tử vi vô làm quà tặng cho bạn bè đi”. Thấy “cá chưa cắn câu”, người bán hàng chìa ra trước mặt tôi cả lốc CD: “Đủ đĩa hết ông anh, tử vi trọn đời, 12 con giáp, những người tuổi Rồng”. Để khỏi phiền phức, tôi chọn mua một CD “12 con giáp” và phần mềm “Xem tử vi trọn đời” với giá 10 ngàn đồng/đĩa. Về nhà mở ra xem, hóa ra toàn bộ nội dung trong đĩa CD này không có gì mới, thực chất là copy nguyên bản trên Internet. Còn phần mềm “Xem tử vi trọn đời” không rõ có phải dung lượng khá nhỏ (chỉ 306 Kb) mà phần sau còn có thêm một số ảnh lễ hội ở Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, cứ đến đầu năm mới, các loại sách mê tín dị đoan lại xuất hiện khắp nơi, từ trước cổng chùa, đến các chợ lớn nhỏ, cả những người bán lưu động len lỏi khắp nơi trong thành phố. Hầu hết các loại sách này đều thuộc diện “không rõ nguồn gốc” với kiểu nêu một cách chung chung như ấn bản tại Sài Gòn, hoặc ấn bản tại Hà Nội..., còn tên tác giả thường không có, hoặc lấy tên một số tác giả chuyên nghiên cứu về phong thủy, tâm linh để “gắn” vào như Sở Vương, Hoàng Đạo Thiên, Hỏa Tình Thiền...

Thế nhưng các loại sách này còn kém xa các đĩa CD được bán dạo khắp nơi về sự bát nháo, cẩu thả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều cuốn sách xuất hiện từ trước 1975 như Thái Ất tử vi  của Vương Dung, Chuyện tâm linh của Bửu Sơn... đã bị “số hóa” bằng cách dùng máy ảnh kỹ thuật số chụp lại từng trang rồi sau đó coppy sang CD bán ra thị trường với giá từ 8 - 10 ngàn đồng/đĩa. So với  sách giấy có giá trên vài trăm ngàn đồng/cuốn và cũng rất khó tìm, thì giá này quá hấp dẫn với người mua nên rất dễ bán. Ngay như sách của nhà nghiên cứu tâm linh Osho (Ấn Độ) cũng được các “nhà sản xuất” lên mạng tại địa chỉ www.oshovietnam.net coppy, rồi tự biên tập lại một số nội dung cho phù hợp với năm Nhâm Thìn để bán ra thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ và Hợp tác khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) thì rõ ràng cách làm này vi phạm quyền tác giả nghiêm trọng. Việc in sao sách không được tác giả đồng ý đã vi phạm và tự động biên soạn lại nội dung vi phạm càng nặng hơn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tác giả nào nộp đơn về Sở Khoa học và Công nghệ thưa kiện về quyền tác giả, mà chỉ có vài người đến hỏi thăm về quyền tác giả, hoặc nếu thưa kiện thì sẽ bị xử lý như thế nào. Còn theo một cán bộ của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, việc xử lý các loại sách, đĩa lậu tại các cửa hàng bán băng đĩa đã khó, nay để bắt tận tay các đối tượng bán đĩa dạo càng khó hơn, nếu có bắt được thì họ sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”.

Trong lúc chờ cơ quan chức năng xử lý tình trạng bán sách, đĩa CD có nội dung mê tín dị đoạn hoặc vi phạm bản quyền tác giả, mỗi người dân cũng nên tự bảo vệ mình bằng cách không mua sách và CD từ những người bán dạo.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.