Kỳ 1: 20 năm trong lòng người Đà Nẵng
Bức tranh gốm thuộc thể loại tranh hoành tráng, được xem là lớn nhất nước ta, khảm ở mặt tiền Nhà hát Trưng Vương kể từ khi công trình này khánh thành vào năm 1985. Qua 20 năm gắn bó với đời sống văn hóa của Quảng Nam-Đà Nẵng và 8 năm sau ngày khởi công xây dựng Nhà hát Trưng Vương mới, bức tranh ấy bây giờ ở đâu? Sử dụng bức tranh này cho một thiết chế văn hóa nào là phù hợp?
Bức tranh gốm khảm ở mặt tiền Nhà hát Trưng Vương cũ. (ảnh tư liệu) |
Vào khoảng tháng 6-2004, chúng tôi có cơ may được gặp họa sĩ Lợi Hoan Trang, tác giả của bức tranh gốm trước Nhà hát Trưng Vương (cũ). Bởi, khi tiến hành phá dỡ công trình nhà hát, trước dư luận đòi hỏi về việc bảo quản tác phẩm nghệ thuật này cùng với thư yêu cầu từ chính họa sĩ Hoan Trang, các cơ quan chức năng đã mời tác giả từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng để cùng tìm phương án tháo dỡ, bảo quản hiệu quả nhất.
Tâm sự với ông sau những giờ miệt mài nghiên cứu, tìm kiếm phương án tháo dỡ, mới thấy tâm huyết và công sức của người họa sĩ chuyên về thể loại tranh hoành tráng được đào tạo bài bản từ Liên Xô (cũ) này. Ông cho biết, theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) cần phải có một công trình văn hóa “để đời” nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng quê hương, ông đã tham gia vào việc phác thảo, thi công bức tranh gốm thuộc thể loại tranh hoành tráng, được xem là lớn nhất nước lúc bấy giờ. Sau khi phác thảo được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng phê duyệt, ông cùng các cộng sự làm việc miệt mài tại làng gốm Bát Tràng để theo dõi, trực tiếp tham gia vào các công đoạn quan trọng để xử lý các mảng màu, các hình tượng nhân vật, các chi tiết... theo đúng phác thảo đó.
Qua một năm miệt mài thực hiện các công đoạn, bức tranh đã được hình thành trên bức tường trước Nhà hát Trưng Vương, trở thành một công trình nghệ thuật quen thuộc với người dân thành phố trong thời gian tròn 20 năm. Trong hồi ức của mình, họa sĩ Hoan Trang cho biết: Quá trình xử lý rất phức tạp để bảo đảm bức tranh tồn tại được với thời gian và quan trọng là giữ được màu sắc tươi mới trên chất liệu gốm. Vì thế, các mảnh gốm được gắn chặt vào các tấm đan bê-tông dày khoảng 4cm. Cả bức tranh gồm 92 tấm đan, mỗi tấm có chiều dài 1,07 mét và chiều rộng dao động từ 0,73 đến 1,08 mét. Những tấm đan này được gắn vào bức tường của Nhà hát bằng một lớp bê-tông dày khoảng 6cm với thứ tự từ dưới lên trên, từ trái qua phải; tạo thành một bức tranh tổng thể có kích thước 20 mét x 4,3 mét.
Vì đây là một bức tranh hoành tráng nằm trong tổng thể công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ, nên theo họa sĩ Hoan Trang: “Nội dung bức tranh vừa mang tính toàn quốc, vừa mang tính địa phương về đặc trưng văn hóa, thể hiện nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu vốn đa dạng của Việt Nam và Quảng Nam-Đà Nẵng”. Giới chuyên môn nghệ thuật lúc bấy giờ đánh giá những đặc trưng văn hóa, vừa dân tộc vừa hiện đại đã được bố trí một cách hài hòa, sinh động trong tổng thể tác phẩm hoành tráng; vì thế cũng đã tạo nên nét đặc trưng của bức tranh này.
Tuy nhiên, cũng vì việc thực hiện tác phẩm với mong muốn lưu giữ theo thời gian, nên việc tháo dỡ là cực kỳ khó khăn, phức tạp. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, một cuộc họp đã được tổ chức vào ngày 16-6-2004, giữa Sở Văn hóa-Thông tin thành phố, Ban Quản lý các dự án xây dựng Đà Nẵng cùng họa sĩ Hoan Trang và các nhà chuyên môn, đi đến thống nhất phương án tháo dỡ. Vì là người trực tiếp thi công bức tranh, nên họa sĩ Hoan Trang đã góp ý với cơ quan chức năng cần chia cắt và phá dỡ từng mảng tường phía sau, sau đó bóc dỡ từng tấm theo phương pháp thủ công. Đồng thời, trước khi bóc dỡ, nên dán băng keo ở mặt trước và đánh số thứ tự từng tấm để dễ dàng bảo quản và phục dựng khi có điều kiện. Những ý kiến này đã được cơ quan chức năng tiếp thu và tiến hành theo đúng quy trình. Ngày 18-6-2004, bức tranh bắt đầu được tháo gỡ và công việc này được hoàn thành vào tháng 7 năm đó, kết thúc “sứ mệnh” tròn 20 năm gắn bó với đời sống văn hóa của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và sau này là thành phố Đà Nẵng.
Điều nhiều người băn khoăn, là tác phẩm nghệ thuật một thời gắn với công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũng như của Đà Nẵng ấy, bây giờ ở đâu? Trong khi vào thời điểm tháo dỡ, ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin thành phố nói rằng, sẽ có biện pháp sử dụng bức tranh có giá trị vào trang trí cho một công trình văn hóa khác của thành phố trong thời gian sớm nhất.
Vốn dĩ là một cái kho gạo với khung thép lợp tôn, hoàn toàn không mang kiến trúc của một nhà hát nhưng do thiếu địa điểm tổ chức các sinh hoạt văn hóa nên tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã chọn kho gạo đó làm Nhà hát Trưng Vương. Có lẽ do tiền thân là một cái kho gạo cũ kỹ nên tất cả những sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng, Đại hội Thi đua… đều không diễn ra ở Nhà hát Trưng Vương mà là ở Hội trường Công an - một nơi cũng không phù hợp lắm với các sự kiện lớn. Xuất phát từ thực tế này mà lãnh đạo tỉnh mới quyết định cải tạo Nhà hát Trưng Vương và lên kế hoạch cụ thể để Nhà hát được khánh thành vào ngày 29-3-1985. Cơ quan đảm nhiệm công trình này là Sở Văn hóa - nơi đã nhờ Viện Thiết kế của Bộ Văn hóa mà người chủ trì Viện là Tiến sĩ kiến trúc Đặng Việt Nga; người thiết kế toàn bộ Nhà hát là ông Lê Đình Nhân và nghệ nhân Hoan Trang - người vốn cùng học với Tiến sĩ Đặng Việt Nga bên Liên Xô (cũ) được mời sáng tác bức tranh gốm. |
NGUYỄN THÀNH - MAI TRANG