.
Bức tranh gốm hoành tráng lớn nhất nước: Bây giờ ở đâu?

Kỳ 2: Số phận một tác phẩm nghệ thuật

.

Cũng theo lời ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin thành phố (thời điểm năm 2004), thì bức tranh gốm hoành tráng đó sẽ không được sử dụng vào công trình Nhà hát Trưng Vương mới vì không phù hợp với thiết kế kiến trúc công trình này.

Còn với đứa con tinh thần của mình, họa sĩ Lợi Hoan Trang lúc đó đã tha thiết bày tỏ: “Tôi mong muốn tác phẩm của mình được sử dụng cho một công trình văn hóa phù hợp”.

Gần 8 năm đã trôi qua. Câu chuyện về bức tranh gốm đó một lần nữa được nhiều người, không chỉ giới kiến trúc, mỹ thuật... khơi gợi lại nhân sự kiện lãnh đạo thành phố quyết định giao cơ quan chức năng tìm phương án hữu hiệu để tôn tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi như là một cách lưu giữ những chứng tích có giá trị trong đời sống văn hóa của Đà Nẵng đang được đô thị hóa mạnh mẽ.

Báo Đà Nẵng đã đề cập đến việc bảo tồn bức tranh gốm từ năm 2004. TRONG ẢNH: Hai bài viết đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 21-6-2004.
Báo Đà Nẵng đã đề cập đến việc bảo tồn bức tranh gốm từ năm 2004. TRONG ẢNH: Hai bài viết đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 21-6-2004.

Mang tâm sự ấy đến với ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố, vị lãnh đạo này luôn cởi mở và sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của chúng tôi. Sáng 9-2-2012, chúng tôi cùng ông Nguyễn Hữu Chiến và nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương đi xem nơi đặt tác phẩm nghệ thuật này.

Với sự hướng dẫn của 2 vị lãnh đạo ngành văn hóa, chúng tôi băng qua căn phòng tối om, lổn nhổn bàn ghế của TV Club, nằm ở tầng hầm Nhà hát Trưng Vương; qua khu vực nhà vệ sinh của quán bar để vào một hốc tối, ẩm mốc. Tại đây, sau khi dỡ những tấm ván đậy sơ sài, trước mắt chúng tôi hiện lên một chồng những tấm đan được bao bọc bằng nhiều tấm bìa, xếp ngay ngắn, cao quá đầu người.

Ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết, đó là toàn bộ những mảng ghép của bức tranh gốm hoành tráng trước đây. “Sau khi tháo dỡ thành công, cơ quan chức năng đã vận chuyển toàn bộ bức tranh về trụ sở Sở Văn hóa-Thông tin thành phố cất giữ và khi Nhà hát Trưng Vương mới được khánh thành thì chúng tôi cho chuyển về đây để bảo quản tốt hơn”, ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết. Ông Chiến cũng tiết lộ, trong quá trình tháo dỡ, vận chuyển và bảo quản, đã có những tấm ghép bị vỡ hoặc nứt, không còn được nguyên vẹn như trước. Điều này chúng tôi chưa kiểm chứng vì không thể tiếp cận được với một tấm nào trong bức tranh tổng thể này.

Điều băn khoăn là, trong 8 năm qua, nhiều thiết chế văn hóa của thành phố được hình thành mà trong đó tiêu biểu là Bảo tàng Đà Nẵng, nhưng không hiểu sao tác phẩm nghệ thuật này không được đề xuất sử dụng như lãnh đạo cơ quan chức năng từng đề cập là “trang trí cho một công trình văn hóa khác của thành phố trong thời gian sớm nhất”?

Ông Nguyễn Hữu Chiến lý giải, do đây là một bức tranh thể hiện các nét sinh hoạt văn hóa, cả dân gian và hiện đại bằng chất liệu gốm, nên khó có thể đưa vào một công trình văn hóa nào cho phù hợp; kể cả với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật mang giá trị lịch sử.  

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì trong giai đoạn 2012-2015, Đà Nẵng sẽ lập dự án đầu tư xây dựng nhiều thiết chế văn hóa, như: Nhà hát Lớn thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Trung tâm Văn hóa, Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn...

Liệu trước những công trình mang tầm vóc đó, số phận của bức tranh gốm thể loại hoành tráng lớn nhất nước lúc bấy giờ, một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa, đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa của Quảng Nam-Đà Nẵng nói chung và thành phố nói riêng, sẽ đi về đâu? Hay mãi mãi sẽ nằm trong một hốc tối tăm, ẩm thấp dưới tầng hầm của Nhà hát Trưng Vương?

NGUYỄN THÀNH-MAI TRANG

;
.
.
.
.
.