.

Để tác phẩm sống trong lòng công chúng

.

Đối với những người làm văn nghệ ở Đà Nẵng, để một tác phẩm - đứa con tinh thần của mình sống trong lòng công chúng là cả câu chuyện dài.

Nhà văn Trần Trung Sáng (trái) tặng độc giả tiểu thuyết Nữ hoàng nhạc Twist trong buổi giới thiệu tác phẩm. Tiểu thuyết này được Hội Nhà văn Đà Nẵng trao giải thưởng Văn học năm 2011.  Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Nhà văn Trần Trung Sáng (trái) tặng độc giả tiểu thuyết Nữ hoàng nhạc Twist trong buổi giới thiệu tác phẩm. Tiểu thuyết này được Hội Nhà văn Đà Nẵng trao giải thưởng Văn học năm 2011. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động Văn học - Nghệ thuật (VHNT) năm 2011, một trong những thành tích đáng tự hào của Liên hiệp các hội VHNT thành phố Đà Nẵng là tất cả các hội chuyên ngành đều có tác phẩm mới, nhiều tác phẩm được đánh giá hay, tốt và được trao nhiều giải thưởng cấp thành phố, quốc gia, khu vực, quốc tế.

Kể nhau nghe giải cao, giải thấp…

Tiêu biểu có thể kể đến 54 tác phẩm đoạt giải thưởng VHNT 5 năm lần thứ hai của thành phố; 2 giải thưởng xuất sắc quốc gia loại A; 2 HCB, HCĐ quốc gia và khu vực; 6 giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh nghệ thuật; 10 giải thưởng âm nhạc quốc gia…; cùng nhiều HCV, HCB ở các thể loại sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật… tại các kỳ liên hoan, hội diễn, triển lãm… Đó là chưa kể đến những giải thưởng nội bộ của Liên hiệp hội và các hội chuyên ngành.

Song, vấn đề đặt ra là có bao nhiêu tác phẩm đoạt giải (kể cả không đoạt giải) được công chúng biết đến? “Chúng ta miệt mài sáng tạo và được trao giải, nghĩa là được các Hội đồng nghệ thuật cấp cao ghi nhận là điều đáng mừng. Tuy nhiên, tôi luôn tự hỏi, chúng ta ngồi kể giải cao, giải thấp với nhau để làm gì, nếu tác phẩm của mình rốt cuộc cũng chỉ để cất vào hộc tủ, hộc bàn; còn các huy chương, giải thưởng, bằng khen được cất vào tủ kính?”, nhạc sĩ Thái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng băn khoăn.

Trong nỗi niềm với sự nghiệp âm nhạc nói riêng, VHNT nói chung, nhạc sĩ Thái Nghĩa chia sẻ tiếp: “Đơn cử riêng lĩnh vực âm nhạc, từ sau ngày giải phóng Đà Nẵng đến nay, số ca khúc về thành phố có thể lên đến hàng nghìn. Nhưng 37 năm qua, chỉ có một VCD gói gọn 12 bài hát về thành phố được in ấn, phát hành. Hàng loạt tác phẩm bị rơi rụng, trong đó chắc chắn có tác phẩm hay, đó chẳng phải là điều đáng tiếc lắm sao! Vì vậy, theo tôi, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động văn nghệ thành phố trong năm 2012 này và những năm tiếp theo là tăng cường, thúc đẩy hơn nữa hiệu quả các hoạt động quảng bá tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng”.

Ông Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng cho biết, sẽ xem việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá tác phẩm VHNT là nhiệm vụ trọng tâm, độc lập, chứ không chỉ được đan xen vào các nhiệm vụ khác.

Cần sự chung tay

Xung quanh việc vì sao tác phẩm VHNT Đà Nẵng chưa đến được với đông đảo công chúng, theo nhiều người, nguyên nhân căn bản là bài toán kinh phí. Bên cạnh đó, không ít ý kiến nói rằng, có nhiều con đường để tác phẩm tìm được đời sống trọn vẹn, điều quan trọng nhất là tác phẩm phải có giá trị thật sự và cần sự chung tay của các cấp, các ngành liên quan.

Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng, việc cần làm đầu tiên là thay đổi quan niệm Sở là cửa ngõ cuối cùng tham mưu các hoạt động VHNT lên thành phố, thay vào đó các văn nghệ sĩ nên trực tiếp bày tỏ tâm nguyện của mình thì sự đề đạt sẽ xác đáng, thống nhất và thuyết phục hơn. Ông Chiến cũng khẳng định Sở VH-TT&DL sẽ luôn đồng hành với các văn nghệ sĩ. Riêng vấn đề kinh phí, theo ông Chiến, ngoài sự hỗ trợ từ thành phố thì có thể vận động từ nhiều nguồn trong xã hội.

NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.