Bức tranh gốm của tác giả Hoan Trang được đánh giá là một sản phẩm văn hóa có ý nghĩa, có số phận gắn liền với công trình văn hóa tiêu biểu một thời của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng; nhưng do quá trình xây dựng mới Nhà hát Trưng Vương nên tác phẩm nghệ thuật này bị lưu kho trong 8 năm qua.
Sau khi bài báo “Bức tranh gốm hoành tráng nhất nước bây giờ về đâu?” đăng tải, các nhà quản lý văn hóa của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) bày tỏ quan điểm. Phóng viên Báo Đà Nẵng xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Ông Hồ Hải Học (ảnh), nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố cho biết:
Đây là bức tranh gốm rất đẹp, tác giả lại là họa sĩ Hoan Trang - người nổi tiếng trong lĩnh vực tranh gốm. Bức tranh mô tả nhiều loại hình nghệ thuật. Vào lúc khai trương Nhà hát Trưng Vương (cũ) thì đây là bức tranh không chỉ mang đậm tính nghệ thuật mà còn là tác phẩm gốm lớn nhất nước kết hợp với chất liệu mosaic - chất liệu mới. Những yếu tố này đã giúp tạo nên bộ mặt lạ, rất đặc trưng cho Nhà hát Trưng Vương.
Tuy nhiên, khi xây dựng mới nhà hát với thiết kế hiện đại, bức tranh không còn phù hợp với tổng thể phối cảnh nhà hát nữa. Vì vậy, thành phố quyết định giữ bức tranh cho một công trình văn hóa khác; mà lúc đó đã nhắm đến Trung tâm Văn hóa (mới) ở số 84, đường Hùng Vương. Nhưng phương án xây dựng mới Trung tâm Văn hóa tại đây không thành, nên từ năm 2004 đến nay, bức tranh vẫn chưa được trưng bày ở bất cứ công trình nào khác.
Thực ra, nếu chính quyền thành phố quan tâm, muốn gìn giữ và phát huy tác phẩm độc đáo này thì có rất nhiều công trình có thể sử dụng, chứ không riêng gì Trung tâm Văn hóa. Nhưng có lẽ, bây giờ người ta đã quên bức tranh. Việc Báo Đà Nẵng gợi lại vấn đề này là rất hay, tôi hy vọng nhờ bài báo này mà chính quyền thành phố sẽ bố trí công trình phù hợp với tác phẩm nghệ thuật đó”.
Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH AN (ảnh), nguyên Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng khẳng định:
Khi thực hiện bức tranh gốm, Sở Văn hóa lúc bấy giờ đã đưa ra một vài ý tưởng cho ông Hoan Trang để thể hiện đậm nét văn hóa của người Quảng Nam-Đà Nẵng. Có thể nói, tác phẩm là kết tinh giá trị văn hóa - lịch sử của địa phương, dân tộc cùng với kiến thức của người được đào tạo bài bản về tranh hoành tráng. Đây là một tác phẩm nghệ thuật thực sự và việc thành phố vẫn còn giữ được bức tranh là điều rất đáng biểu dương. Về việc sử dụng thì cần phải có không gian, công trình văn hóa tương thích với thể loại tranh gốm hoành tráng, nội dung đề tài cũng như kích cỡ của bức tranh...
* P.V: Thành phố đang lập dự án xây dựng hàng loạt các thiết chế văn hóa trong thời gian tới như: Nhà hát Lớn, Thư viện thành phố, Trung tâm Văn hóa, Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Mỹ thuật… Ông nghĩ rằng bức tranh gốm đó nên được đưa vào thiết chế văn hóa nào là phù hợp?
Ông Nguyễn Đình An nhấn mạnh: Có thể đưa bức tranh gốm này vào Bảo tàng Mỹ thuật, còn đối với Nhà hát Lớn thì vấn đề còn phụ thuộc vào kiến trúc của Nhà hát và địa điểm để bức tranh. Ví dụ, nhà hát kiểu nào thì nên dựng ở bên hông, mặt tiền, hay bức tường trên đường vào... Điều này phải do các nhà chuyên môn tính toán kỹ từ tổng thể kiến trúc chứ không thể nói theo cảm quan. Theo tôi, trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục lưu giữ, bảo quản bức tranh cho tốt; khi đưa vào bất cứ công trình nào thì phải tính toán kỹ, xem xét trong từng điều kiện cụ thể. Nếu đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật thì khi thiết kế phải giúp nó vừa là tác phẩm của bảo tàng vừa là tác phẩm trang trí cho bảo tàng.
Bức tranh gốm hiện đang xếp trong một góc tầng hầm Nhà hát Trưng Vương. Ảnh: N.T |
Bức tranh không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà nó còn là bằng chứng, là dấu ấn của một công trình văn hóa 10 năm sau Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. Cho bức tranh một cuộc sống mới ở một không gian văn hóa tương thích là điều rất tốt nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải tìm ra không gian văn hóa đó, đừng làm mất giá trị bức tranh khi khiên cưỡng đặt nó vào kiến trúc không phù hợp.
Ông Hồ Hải Học nêu vấn đề: Việc đưa tác phẩm vào một tổng thể phù hợp là rất khó bởi màu sắc của gốm là đặc trưng. Rõ ràng là nó khó hơn việc chủ động xây dựng công trình kiến trúc ngay từ đầu. Có thể ví von nó như bài toán đã có đáp án, việc chúng ta cần làm là đi tìm một đề bài sao cho hay, sao cho xứng tầm với đáp án. Khẳng định đây là công việc khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Hãy đặt vấn đề dưới con mắt cùng sức sáng tạo của các nhà chuyên môn. Tôi tin rằng đây là điều hoàn toàn khả thi.
Theo những gợi ý trên, tôi nghĩ rằng nên đưa tác phẩm này vào công trình Nhà hát Lớn bởi vì nó vốn dĩ đã nằm ở nhà hát thì tiếp tục nằm ở nhà hát là hay nhất.
NGUYỄN THÀNH - MAI TRANG (Thực hiện)