.

Kỷ niệm 515 năm ngày mất vua Lê Thánh Tông

Trong hai ngày 18 và 19-2, tại thôn Vạn Tường (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Hội đồng họ Lê ở Quảng Ngãi tổ chức lễ kỷ niệm 515 năm Ngày mất của Vua Lê Thánh Tông. Đồng chí Lê Viết Chữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến dự. 

Tại lễ kỷ niệm, Hội đồng họ Lê ở Quảng Ngãi và đại diện Hội đồng họ Lê Việt Nam đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sớm tạo điều kiện, đầu tư xây dựng Khu di tích Vua Lê Thánh Tông tại vùng đất Vạn Tường lịch sử. Hội đồng họ Lê Quảng Nam-Đà Nẵng đăng ký ủng hộ 20 tấn xi-măng khi công trình này được khởi công. Vua Lê Thánh Tông có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc, nhất là trong việc mở cõi về Nam. Năm 1471, Vua thân chinh đưa đại quân thu hồi đất Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, Chà Bàn... (nay thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).

Trên đường tiến về Nam, Vua Lê Thánh Tông sai tướng Lê Hy Cát dẫn quân sĩ dùng thuyền men theo vịnh nhỏ đánh chiếm cửa Sa Kỳ, bán đảo Phước Thiện, chặn đường rút chạy của địch, còn nhà vua chỉ huy đại quân tiến vào cửa Tân Áp, Đại Áp và Thái Cần, từ đó đánh chiếm toàn bộ khu vực Dung Quất, Châu Sa, vượt sông Trà Khúc, làm chủ toàn bộ vùng đất Cổ Lũy Động (nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi), vốn đã thuộc Đại Việt từ thời Nhà Hồ. Đến nay, người dân vùng Dung Quất, Sa Kỳ còn kể lại nhiều truyền thuyết về các địa danh ở đây như:

Giếng Vương, Gò Hồng, Động Hàng Đô, Vạn Tường, Tổng Binh…, gắn liền với sự kiện mở cõi của Vua Lê Thánh Tông. Theo đó, Giếng Vương là giếng do vua sai đào để lấy nước cho binh sĩ uống, Tổng Binh là nơi vua đặt đại bản doanh, Gò Hồng là nơi vua nghỉ…(LÊ VĂN THƠM)

* Ngày 19-2, tại thành phố Đà Nẵng, dòng họ Đỗ Việt Nam đã họp mặt thường niên lần thứ 15 và kỷ niệm 150 năm Ngày mất của chí sĩ yêu nước - danh nhân Đỗ Thúc Tịnh, người con ưu tú của  xứ Quảng. Tại buổi gặp mặt, hơn 1.000 con, cháu họ Đỗ trên cả nước hội tụ đã ôn lại quá trình hình thành và phát triển của dòng họ Đỗ Việt Nam. Qua đó, xây dựng mối liên hệ giữa dòng họ Đỗ, cùng nhau khai thác và phát huy truyền thống nhân văn của dòng họ này trong dòng chảy của lịch sử các tộc họ Việt Nam. 

Dòng họ Đỗ Việt Nam cũng cùng nhau ôn lại thân thế và sự nghiệp của chí sĩ yêu nước - danh nhân Đỗ Thúc Tịnh. Đỗ Thúc Tịnh sinh ngày 20-2-1818 (nhằm 16 tháng Giêng năm Mậu Dần), quê làng La Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; mất vào năm 1862 (ngày 26 tháng Giêng năm Nhâm Tuất). Ông có công lớn trong phong trào chống Pháp dưới thời Tự Đức, là tấm gương lớn trong việc giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ ngày nay. (VĂN NỞ)  

;
.
.
.
.
.