Trước sự phát triển nhanh của các kênh thông tin, điểm Bưu điện-văn hóa xã (BĐVHX) đang đối mặt với nguy cơ bị khai tử. Tuy nhiên, đây lại là một trong 19 tiêu chí không thể thiếu để xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới.
Điểm BĐVHX Hòa Bắc im lìm. |
A lô, chị ở đâu?
Những ngày cuối tháng 12- 2011, chúng tôi làm một cuộc hành trình đi tìm nhân viên phụ trách điểm BĐVHX ở các xã của huyện Hòa Vang. Tình cảnh chung là rất khó gặp được các nhân viên phụ trách này. Cuối đông, những cơn gió lạnh từ sông Cu Đê thổi ngược lên vùng cao, tại điểm BĐVHX Hòa Bắc, cửa sắt cổng đóng im lìm và được “khóa” thêm bằng mấy bao cát sạn. Khu sân BĐVHX bầy nhầy phân gia súc và rác thải, vài lùm cỏ mọc càng tăng thêm cảnh tiêu điều. Phải nhờ tới sự hỗ trợ của mấy nhân viên ở Văn phòng UBND xã, chúng tôi mới tìm được số điện thoại của nhân viên phụ trách điểm BĐVHX này. Gặp bà Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, hỏi qua về tình hình hoạt động điểm BĐVHX này thế nào, chúng tôi nhận được câu trả lời ngao ngán: “Nằm một cục bên ấy, như của nợ vậy chứ có thấy hoạt động gì đâu mà tìm hiểu hả anh”. Phải gọi tới 2 số máy mới có tín hiệu liên lạc được với chị Hồng - nhân viên quản lý Bưu điện. Chị Hồng cho biết qua điện thoại: “Hôm nay bận việc, có gì thứ 2 tuần tới (lúc tôi liên lạc là thứ 5 trong tuần - pv) làm việc lại anh nhé”.
Xuôi theo đường ĐT601, ghé lại điểm BĐVHX Hòa Liên, vẫn là cửa khóa im lìm, cỏ ngập lối đi, Phó Chủ tịch xã Hòa Liên Huỳnh Tấn Bôn cũng “không nắm rõ” quá trình hoạt động của điểm BĐVHX nằm kề lưng với UBND. Chúng tôi tìm đến nhà chị Ngô Thị Thanh Thủy, nhân viên phụ trách điểm BĐVHX, có điều, chị Thủy đã nghỉ sinh từ mấy tháng trước, trao lại “quyền quản lý” cho cô em gái. “Mọi hoạt động, đóng mở cửa và thu chi đều bàn giao cho em gái quản lý nên tôi cũng không nắm rõ mấy tháng nay nó hoạt động thế nào. Nhưng thực chất thì có đến đó cũng chỉ để ngồi và... nhìn người qua đường thôi, có mấy ai vào đâu”, chị Thủy cho biết.
Cứ nghĩ, về với các xã vùng cao, vùng sâu như Hòa Bắc, Hòa Liên, sẽ dễ dàng tìm gặp được nhân viên điểm BĐVHX và chứng kiến cảnh vào ra tấp nập. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn trái ngược. Hiện nay, mức độ phủ sóng điện thoại đã đến tận khắp các hộ dân, điện thoại di động phát triển mạnh. Thế nên, việc điểm BĐVHX, cho dù đã từng là một điểm sáng ở vùng nông thôn, bây giờ bị “qua mặt” là điều dễ hiểu. Xét ở khía cạnh nguồn tri thức từ sách vở phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin, kiến thức cho nông dân, học sinh và các tầng lớp khác cũng đang bị lỗi thời thấy rõ. Ngược lên xã vùng cao Hòa Phú, nếu không trông thấy tấm bảng dù cũ kỹ vẫn còn đọc được thì tôi sẽ bị nhầm đây là... cửa hiệu may mặc của chị Châu Thị Kiếm - nhân viên phụ trách điểm BĐVHX Hòa Phú.
Ông Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú Phan Phụng Trung tự hào cho biết, dù là xã miền núi, nhưng điện thoại di động ở Hòa Phú phủ sóng hầu khắp. Từ người già cho đến trẻ nhỏ gần như ai cũng sở hữu và biết cách sử dụng điện thoại di động thành thạo, chưa kể mạng lưới điện thoại cố định có dây hoặc không dây cũng phủ sóng khắp xã. Báo chí, thông tin liên lạc được phủ khắp tận nhà người dân, nên người dân giảm hẳn nhu cầu, hạn chế vào BĐVHX để tìm hiểu hoặc tích lũy thông tin, kiến thức. Hòa Phú đã có tủ sách cho nông dân tại các thôn xa nhất như Phú Túc, An Châu đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập để áp dụng vào sản xuất. Hồi mới xây dựng, nhu cầu tìm hiểu sách báo, thông tin và gọi điện thoại liên lạc là rất cần thiết, nhưng hiện nay thì BĐVHX trở nên thừa.
Trong quá trình đi tìm hiểu các BĐVHX tại các xã ở Hòa Vang, có lẽ mạnh nhất là điểm BĐVHX Hòa Khương, vì theo chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, nhân viên phụ trách ở đây cho hay là “do tôi còn kèm thêm công việc chuyển phát bưu phẩm, nên mở cửa hằng ngày. Dẫu vậy, mỗi tuần cũng chỉ lác đác vài chục người vào ra”. Qua tìm hiểu, mỗi nhân viên điểm BĐVHX phụ trách quản lý tại mỗi điểm hiện nay có mức lương chỉ gói gọn 650.000 đồng (kể từ tháng 12-2009). Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến cái chết từ từ... của các điểm BĐVHX.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: TRỌNG HUY