.
Lay lắt điểm Bưu điện-văn hóa xã

Bài 2: Điểm Bưu điện - văn hóa xã sẽ vẫn “sống”!

.

Dù gì chăng nữa thì điểm Bưu điện-văn hóa xã (BĐVHX) cũng vẫn tồn tại vì đó là tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Hiện nay, giữa ngành Bưu điện và chính quyền địa phương cũng đã có những trao đổi, liên kết để tìm hướng cho sự tồn tại của điểm BĐVHX.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là mức thu nhập của nhân viên phụ trách BĐVHX (hưởng trợ cấp hoa hồng) vẫn không thể gắng gượng lên con số bằng mức lương tối thiểu theo quy định (830.000 đồng) và việc cải tạo, nâng cấp lại hệ thống BĐVHX chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài việc trực tại điểm BĐVHX, chị Kiếm còn phải làm thợ may ngay tại “văn phòng” để kiếm thêm thu nhập.
Ngoài việc trực tại điểm BĐVHX, chị Kiếm còn phải làm thợ may ngay tại “văn phòng” để kiếm thêm thu nhập.

Chị Châu Thị Kiếm, nhân viên BĐVHX Hòa Phú cho biết: “Mỗi tháng nhận được 650.000 đồng “tiền lương” để ngày tối thiểu mở cửa Bưu điện 4 tiếng. May tôi còn biết làm thợ may, thu nhập từ may vá cũng trên 1 triệu đồng thì mới đủ trang trải cho cuộc sống và nuôi con ăn học, chứ không cũng bỏ việc này từ lâu rồi”.

Đó cũng là thực trạng chung của tất cả các BĐVHX hiện nay ở Hòa Vang. Họ không có hợp đồng lao động, mọi chi phí bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cũng như tiền ăn ca đều được gói gọn trong số tiền 650.000 đồng ràng buộc bằng một bản hợp đồng khoán việc có thời hạn 3 tháng. Trong khi nếu nói rằng, mức thụ hưởng tiền hoa hồng doanh thu từ hoạt động của BĐVHX bằng 10% thì ngay như điểm BĐVHX Hòa Khương có doanh thu tốt nhất đạt 628.674 đồng/tháng (năm 2011) thì chỉ hưởng được hơn 60 ngàn đồng/năm, còn các điểm còn lại thì phải bù 100%. Như vậy, với 10/11 điểm như hiện nay, Bưu điện Đà Nẵng 4 phải bù lỗ gần 65 triệu đồng/năm để trả lương cho nhân viên nhằm duy trì sự tồn tại của các điểm BĐVHX, chưa kể các khoản chi phí quản lý phát sinh và bảo trì, tu sửa khác.

Qua số liệu cho thấy, doanh thu hằng tháng (12-2011) tại các điểm BĐVHX cao nhất là Hòa Khương chỉ đạt hơn 400.000 đồng, có điểm BĐVHX không thu được đồng nào như Hòa Châu; Hòa Bắc là 4.000 đồng; Hòa Liên 6.000 đồng; Hòa Sơn 9.000 đồng..., thực trạng này diễn ra từ khoảng 3 - 4 năm trở lại đây. Theo các nhân viên điểm BĐVHX cho biết, trước đây, điểm BĐVHX hoạt động không đến nỗi đìu hiu, ngoài số tiền 400.000 đồng (trước tháng 12-2009) vẫn còn được cộng thêm tiền hoa hồng.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, ngoài tình trạng vắng khách thì hệ thống cơ sở vật chất các điểm BĐVHX cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống máy tính bị hư hỏng nhưng không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời, trang thiết bị khác cũng đứng trước nguy cơ xuống cấp. Tủ sách tuy có nhiều sách quý, hay, nhưng vẫn không thể thu hút được độc giả. Thực tế hiện nay tại tất cả các điểm chỉ sống cầm chừng nhờ sự bù lỗ của ngành Bưu điện, bản thân các điểm BĐVHX không thể tự duy trì “sự sống” của mình.

Bà Vũ Thị Bích Hà, Phó Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng 4 cho biết, sắp tới, đơn vị sẽ có những định hướng hoạt động cụ thể đối với các điểm BĐVHX. Theo đó sẽ tiếp tục duy trì điểm phục vụ công ích; phát triển kinh doanh các dịch vụ bưu chính viễn thông, bán thẻ các loại, bán bảo hiểm mô-tô, bảo hiểm nhân thọ bưu điện, các dịch vụ tài chính bưu chính; phối hợp với địa phương tổ chức các câu lạc bộ văn hóa tại xã (thanh niên, phụ nữ, Mặt trận...). Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp, bà Hà cũng thừa nhận, trong thời gian tới, thực trạng đìu hiu này vẫn sẽ còn diễn ra, chưa thể mặc lại “bộ cánh mới” cho điểm BĐVHX được...

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.