Bước vào cửa hàng sách cũ nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu, người ta không khỏi ngạc nhiên và thú vị bởi mùi thời gian ẩn trong những hiện vật từ thời xa lơ xa lắc...
Anh Nhựt bên chiếc máy ảnh hiệu POLAROID sản xuất từ những năm 1960 của Mỹ. |
Từ những chiếc đĩa gốm sứ Đồng Nai cách đây khoảng 80-100 năm có hình đua thuyền, những chiếc bình đông của bộ đội, những chiếc bộ đàm, túi quân trang của lính Mỹ hay những huy hiệu, đồng xu bông lúa và hàng chục kiểu đồng hồ cổ của Mỹ, Đức, Pháp… đều được anh Lê Thanh Nhựt (40 tuổi, ở quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) trưng bày ở một góc trong cửa hàng sách của mình.
Khá nhiều ảnh chụp, tư liệu quý giá về Bác Hồ khi đang đứng nói chuyện với dân quân du kích hoặc phát biểu tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (1966) cũng được anh lưu giữ rất cẩn thận. “Thế hệ của mình và con cháu không biết đến chiến tranh. Vậy tại sao mình không lưu giữ những gì còn lại về cuộc chiến, về Bác Hồ để giới thiệu cho các em”, anh Nhựt bộc bạch.
Trong bộ sưu tập của anh Nhựt có một chiếc đĩa đồng rất lạ. Anh Nhựt cho biết trong một lần đi ngang qua một gia đình người Khme ở Sóc Trăng, thấy họ lấy cái chảo đồng này ra để đựng đồ cho vịt ăn, anh liền hỏi mua với giá 200 ngàn đồng. Hiện anh Nhựt lưu giữ đến 20 chiếc đồng hồ cổ các loại từ nhiều nước.
Anh mở cho chúng tôi xem chiếc đồng hồ hiệu Carillons Romanet của Pháp có hai lỗ trên bề mặt, một lỗ để lên dây thiều (cót) cho đồng hồ hoạt động, còn một lỗ để bật nhạc, vẫn còn hoạt động rất tốt. Chiếc này được anh Nhựt mua lại với giá 2,5 triệu đồng cách đây 3 năm. Hay như chiếc đồng hồ hiệu Boy của Đức cũng được anh Nhựt cất giữ khá cẩn thận. Trong những hiện vật lưu giữ được, anh Nhựt thích thú nhất là hơn chục chiếc máy quay băng, đĩa phát nhạc. Đặc biệt là cái máy hiệu AKAI sản xuất năm 1960 cùng hàng chục đĩa nhạc được anh giữ cẩn thận.
Anh Nhựt gọi cửa hàng sách cũ của mình là cửa hàng “thời gian” bởi những giá trị xưa cũ từ những cuốn sách, những hiện vật mà anh yêu thích.
“Mua được một đồ xưa cũ mình thích thú lắm, như được ăn một món ngon vậy”, anh Nhựt cho biết. Suốt ngày rong ruổi ngoài đường, tìm được một món đồ là đêm ấy anh Nhựt không ngủ được. Hết săm soi, anh lại tìm ngày tháng, dấu hiệu in trên hiện vật, lục trong vốn kiến thức mà mình thu thập được để xác định là loại đồ gì, dùng để làm gì, ra đời khoảng năm nào... Và trong tiệm sách nhỏ, cũ kỹ của mình, anh dành hẳn một góc để trưng bày khoảng 800 hiện vật.
Hằng ngày, thời gian rảnh là anh lại quét bụi, lau chùi chúng. Có những món đồ như hai chiếc ống nhòm của cao bồi nước Nga và lính Mỹ thời trước, dù nhiều người hỏi mua với giá cao, anh Nhựt cũng nhất định không bán. Khá nhiều sinh viên Trường Đại học Sư phạm vào mua sách cũ lại tò mò, chỉ trỏ và hỏi về các hiện vật. Vậy là anh Nhựt lại tận tình giải thích theo những gì anh biết về món đồ. “Những hiện vật cổ thể hiện nét đẹp, giá trị văn hóa của một thời. Mình chỉ mong muốn sưu tầm được hàng ngàn hiện vật để lưu giữ những nét đẹp ấy và giới thiệu cho các em”, anh Nhựt thật thà bày tỏ.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ