.

Thơ phải mang thông điệp cuộc sống

.

 

Nhà thơ Hải Như.                                                            Ảnh: TTO
Nhà thơ Hải Như. Ảnh: TTO

Nhà thơ Hải Như thuộc thế hệ các văn nghệ sĩ thời kỳ đầu cách mạng, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Thơ hiện đại không chỉ được thể hiện bằng hình thức mà còn  tư tưởng phải mang thông điệp cuộc sống.

* Thưa nhà thơ, ông suy nghĩ như thế nào về thơ Việt Nam và thơ thế giới ngày nay, nhất là khi có cuộc gặp mặt các nhà thơ Đông Nam Á tại vịnh Hạ Long do Hội Nhà văn Việt Nam
tổ chức?

- Tôi nhớ không rõ lắm thời điểm (năm 2001 hoặc 2002) khi nhà thơ Huy Cận được mời dự hội nghị các nhà thơ quốc tế ở Pháp về gặp tôi ở thành phố Hồ Chí Minh, ông cho biết: “Hội nghị các nhà thơ thế giới nhận định: Thơ hôm nay không có bạn đọc. Lỗi không ở bạn đọc mà lỗi chính là ở các nhà thơ. Bởi lẽ, nhà thơ né tránh, quay lưng lại thực trạng xã hội mà nhà thơ lẽ ra cần lên tiếng. Nói rõ hơn là các nhà thơ không đề cập tới thân phận con người”.

* Vậy yêu cầu của bạn đọc thơ hôm nay là gì?

- Bạn đọc của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc hôm qua và hôm nay đều đòi hỏi nhà thơ đứng về phía nhân dân, chỉ cho họ thấy thực trạng xã hội và thái độ trước thực trạng ấy.

* Yêu cầu nói lên thực trạng xã hội như vậy có cao quá không?

- Đúng là cao rồi nhưng với các nhà thơ Việt Nam khi đã ý thức được câu nói của Lê Quý Đôn “văn chương, trong đó có thơ không phải là trò chơi, là câu chuyện phiếm” thì sẽ không còn thấy yêu cầu tự thân trong thơ là cao nữa.

* Quan niệm của ông về thơ hiện đại?

- Bài thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Du viết sau cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh kết thúc mang tính hiện đại ở thông điệp tố cáo chiến tranh, thể hiện qua câu thơ chữ Hán của ông: “Nhĩ lai bất quý phác nhân công” (tạm dịch: Từ nay, việc giết người không còn được coi là có công nữa). Tôi xem bài thơ đó đậm chất hiện đại bởi chính tư tưởng nhà thơ lên án chiến tranh.

* Gần đây, nhiều bạn thơ trẻ hay nhắc đến thơ hậu hiện đại. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Khi thi hào Nguyễn Du được Vua Tự Đức bổ chức cai bạ (tức tuần phủ) ở Quảng Bình, ông đã sáng tác bài thơ có tựa đề Pháo đài, tôi coi bài thơ đó là hiện đại. Hiện đại không chỉ là hình thức mà còn là tư tưởng (tức thông điệp của nhà thơ) nhắn nhủ với cuộc đời. Thời phong kiến, các vua sáng, các đức minh quân đều tôn trọng và tìm đến các kẻ sĩ đích thực thường là các nhà thơ, mời họ làm gián quan - tức can ngăn nhà vua, uốn nắn những lệch lạc sai lầm.

* Còn thế hệ nhà thơ trẻ hôm nay thì sao?

- Tôi tin tưởng ở các nhà thơ trẻ (không riêng các nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) và chờ đợi tiếng nói thơ đầy tâm huyết của lớp nhà thơ trẻ trong việc thể hiện ý thức trách nhiệm đối với dân tộc. Tôi thật sự mong đợi những tên tuổi mới xuất hiện.
* Xin cảm ơn nhà thơ!

HOÀNG QUẢNG UYÊN thực hiện

;
.
.
.
.
.