.

Thú chơi đá cảnh

.

Những năm qua tại Đà Nẵng có nhiều người chơi đá, bao gồm đá nghệ thuật, đá quý. Riêng lĩnh vực đá nghệ thuật đã có câu lạc bộ (CLB) với khoảng hơn 20 thành viên, họ chơi theo 2 cách: Một là sưu tầm những viên đá hoàn toàn tự nhiên với tất cả màu sắc, hình thù có sẵn trong thiên nhiên; hai là từ hình thù, màu sắc của những viên đá tự nhiên, người chơi có thể gia công, chế tác thêm để tôn lên vẻ đẹp của màu đá, hay hình thù có sẵn trong thiên nhiên của các viên đá. Trong đó, chơi đá tự nhiên là chủ yếu .

Một viên đá thạch anh hồng được vẽ hình con Rồng (Cơ sở Trúc Xanh).
Một viên đá thạch anh hồng được vẽ hình con Rồng (Cơ sở Trúc Xanh).

Từ đá cảnh…

Ông Trần Văn Phú, trú tại 172/7 Trần Cao Vân, Phó Chủ nhiệm CLB đá cảnh Đà Nẵng cho biết có khoảng 4 người có thâm niên trong nghề từ 20 năm trở lên. Trong đó ông Hoàng Cung Khảm (trường phái tự nhiên) có nhiều viên đá quý đã tham gia nhiều triển lãm trong nước.

Nghề chơi đá cũng lắm công phu. Để có được viên đá yêu thích, người chơi phải bỏ nhiều thời gian đi các sông suối ở các địa phương như Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Thừa Thiên-Huế và các tỉnh phía bắc để tìm kiếm. Hành trang đáng giá nhất mà các ông mang theo là tấm bản đồ sông, suối của địa phương mà các ông đến, ngoài ra không có một thông tin nào khác về những viên đá định tìm. Viên đá có hình dáng và màu sắc như một bức tranh thủy mạc mà ông Phú rất thích là ông đã tìm được do một sự tình cờ.

Đó là một lần ông đi kiếm đá tại tỉnh Quảng Ngãi, sau 2 ngày lặn lội tìm kiếm các sông suối mà không được gì, chuẩn bị ra về thì ông đã phát hiện viên đá này ngay tại chỗ tập kết anh em để về. Được viên đá này, coi như chuyến đi của ông thành công. Hiện ông có gần 500 viên đá, chủ yếu do ông tự tìm, một số ít do bạn bè tặng.

Đến với thú vui này, ngoài sự đam mê, người chơi cũng cần có những kiến thức nhất định về văn hóa, lịch sử… và đặc biệt là trí tưởng tượng phong phú. Ông Nguyễn Văn Sơn (76 tuổi, cán bộ hưu trí), trú tại 402/03/K74 Trần Cao Vân lại có cách chơi khác.

Trên cơ sở những viên đá tự nhiên giống từ 70% trở lên so với hình thù, phong cảnh mà ông định sáng tạo thì ông lượm về. Qua bàn tay lao động khéo léo của ông, những tác phẩm được thể hiện sinh động hơn, rõ nét hơn.

Vì tuổi cao, sức yếu không thể tham gia đi tìm đá rất vất vả như những người khác, nên ông chế tác (dân trong nghề gọi là nhấn nhá) từ các viên đá do bạn bè, người cùng chơi tặng. Những viên đá ấy, với sự sáng tạo của ông đã trở nên kỳ diệu, long lanh. Ông dự định sẽ hoàn thành bộ sưu tập với chủ đề 12 con giáp trong năm 2012.

… đến đá quý

Ông Nguyễn Văn Sơn và những tác phẩm được chế tác.
Ông Nguyễn Văn Sơn và những tác phẩm được chế tác.

Đá quý đã được con người sử dụng từ xa xưa để làm đồ trang sức, hoặc sử dụng như thuật phong thủy, cầu may mắn, tài lộc, duyên phận…

Từ xưa đã có câu: “Giàu đeo vàng, sang đeo đá”. Quả thật với viên đá có màu sắc đẹp, được chế tác tinh vi sẽ tôn lên vẻ quý phái, hiểu biết và sang trọng của người đeo.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trúc Xanh (cơ sở sử dụng lao động là người khuyết tật) cho biết, phong trào chơi đá quý ở Đà Nẵng phát triển nhanh. Các loại đá này có thể khai thác ở Gia Lai, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An… Mỗi người sử dụng đá theo cách riêng của mình. Kỷ niệm những ngày đặc biệt, người ta có thể tặng cho nhau đá quý.

Tùy theo khả năng kinh tế của mỗi người mà có thể tặng những viên đá được chế tác tinh xảo với giá cao ngất ngưởng, nhưng cũng có những viên đá thô giá vài chục ngàn đồng được viết lên đó các chữ mình thích bằng thư pháp…

Chơi đá là một thú chơi đơn giản, phù hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi. Sự độc đáo của chơi đá là mỗi viên đá là duy nhất, nhất là đá thiên nhiên, điều đó làm nên nét đẹp độc đáo và giá trị vĩnh hằng của viên đá.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.