.

Còn ai với... thơ!?

.

Trong sự tất bật và bao lo toan của cuộc sống hiện đại, không nhiều người còn mặn mà với văn chương, đặc biệt thơ ca ngày càng khó tìm được đất sống.
 

Những buổi đọc thơ như thế này, ngày nay dường như chỉ là sinh hoạt riêng của một số  văn nghệ sĩ.
Những buổi đọc thơ như thế này, ngày nay dường như chỉ là sinh hoạt riêng của một số văn nghệ sĩ.

“Lỗi” của thời gian

Đó là câu cửa miệng của nhiều người khi được hỏi về quỹ thời gian họ dành cho thơ. Bà Huỳnh Thị Hồng (50 tuổi), giáo viên dạy Toán của một trường THCS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bộc bạch: “Khi còn là sinh viên, tôi vẫn thường cùng bạn bè đọc thơ nhưng lâu lắm rồi tôi không động đến một cuốn thơ nào. Công việc ở trường, lớp làm tôi bận tối mắt tối mũi, xong việc trường thì đến việc nhà, có chăng là còn chút thời gian để đọc báo”. Chị Như Trang (30 tuổi), nhân viên Tập đoàn Viettel, không ngần ngại thú nhận rằng, chỉ có đôi chút cảm nhận về những bài thơ khi còn đi học phổ thông, ngoài ra chị chẳng hiểu gì về thơ ca hiện nay. Ngay cả anh Đình Quỳnh (35 tuổi), kỹ sư điện lực, vốn một thời nổi tiếng với những vần thơ tình ngẫu hứng, thì giờ đây khi nhắc đến thơ, anh lắc đầu: “Thơ bây giờ xa xôi với tôi lắm!”.

N.T.Q.N tuy là sinh viên khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng nhưng cũng chỉ biết đến những vần thơ trong giáo trình. Lý do được N. cũng như nhiều sinh viên khoa Văn đưa ra là học quá nhiều môn, rồi còn học thêm Tin học, ngoại ngữ, đọc báo mạng, xem phim, khiêu vũ và tham gia nhiều hình thức giải trí thú vị khác, nên chẳng có thời gian dành cho thơ.

Thơ vẫn sống?

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng giải thích: Muốn thấy được cái hay, cái đẹp của thơ, cần có thời gian ngâm nga, suy ngẫm, nhưng với nhịp sống ngày nay, để thực hiện được điều đó thật khó. Ông H.Man, Trưởng văn phòng Đại diện NXB Văn học tại Đà Nẵng, cũng bày tỏ sự ưu tư khi các NXB tại Đà Nẵng những năm qua vẫn thường phối hợp tổ chức rất nhiều buổi giới thiệu thơ, nhưng dường như chỉ có những người làm thơ đến với nhau, nghe thơ, đọc thơ, bình thơ của nhau, rồi lại đâu vào đó, chẳng ai hay biết. “Hoạt động in ấn thơ văn rất khó khăn, bí nhất là đầu ra của tác phẩm trong lúc văn hóa đọc đang dần xuống dốc. Những cái tên thật nổi đình nổi đám may ra còn thu hút được chút ít sự chú ý của độc giả, còn những người trẻ và mới thì thật khó có cơ hội ghi tên trong lòng công chúng… Vì vậy, không ít người viết văn, làm thơ bây giờ tự viết, tự bỏ tiền in và tự đọc (hay gửi tặng người thân, bạn bè; số dư thì cất vào hộc bàn, hộc tủ…”, ông Nguyễn Kim Huy, Trưởng ban Biên tập, NXB Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận.

Điều đáng mừng là trước thực trạng không khả quan trên, nhiều người làm thơ vẫn quan niệm thơ là tiếng lòng nên dù sao thì họ vẫn viết, viết cho mình, viết “chỉ để thấy mình đang sống”. Viết vì trong sâu thẳm, họ luôn tin rằng, giai đoạn này rồi sẽ qua, con người chạy mãi phải có lúc dừng lại để cảm nhận cuộc sống, để biết rằng: “Trái đất rộng thêm ra một phần bởi các trang thơ/ Vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ”, như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.