.

Để Đà Nẵng là điểm đến an toàn, hấp dẫn

.

Được tổ chức thành công trong 4 năm qua, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) trở thành lễ hội được người dân thành phố cùng du khách trong nước, quốc tế đón đợi hằng năm.

Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2011
Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2011

Vào mỗi dịp DIFC, thành phố lại huy động tổng lực nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lễ hội, để lại ấn tượng trong lòng du khách trong nước cũng như quốc tế về một Đà Nẵng thân thiện, hài hòa, an bình, hấp dẫn và đáng sống.

Tuy nhiên, qua 4 mùa DIFC, nhiều hình ảnh không đẹp vẫn diễn ra. Bên cạnh việc dựng nhiều khán đài dành cho những người có vé, thành phố còn dành ra những khu đất trống để phục vụ cho nhân dân và du khách không có điều kiện mua vé. Nhưng năm nào cũng vậy, trước đêm khai hội đại tiệc màn pháo hoa rực rỡ, đa sắc màu thì ngay từ sáng sớm, trên khuôn viên bờ Đông sông Hàn đã bị nhiều người chiếm dụng bằng cách căng dây, trải chiếu, trải bạt… để “xí phần”, chờ đến giờ cao điểm sẽ tung ghế nhựa ra và bán chỗ ngồi cho người xem. Thông thường, chỗ ngồi của mỗi ghế nhựa được bán có giá dao động từ 20.000-60.000 đồng, mỗi chiếc chiếu hay bạt trải rộng trên mặt đất được bán từ 50.000-100.000 đồng.

Chiếu bạt (ảnh lớn) và những hàng ghế (ảnh nhỏ) được xí phần từ rất sớm để bán lại cho du khách xem pháo hoa.
Chiếu bạt được xí phần từ rất sớm để bán lại cho du khách xem pháo hoa.

Ngoài việc những người “xí phần” để kinh doanh, nhiều gia đình và những nhóm du khách cũng tranh thủ ra bờ Đông sông Hàn từ rất sớm để tổ chức ăn uống, nằm, ngồi nghiêng ngả…, tạo hình ảnh hết sức nhếch nhác và mất trật tự, mất mỹ quan đô thị. Khuôn viên bờ Đông sông Hàn từ lâu đã trở thành nơi trưng bày những tác phẩm tiêu biểu từ trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Đà Nẵng và cảnh quan nơi đây luôn được chăm sóc, giữ gìn cẩn thận. Tuy nhiên, trong những đêm pháo hoa, do lực lượng bảo vệ mỏng, nên nhiều người giẫm đạp lên vườn hoa, thậm chí còn leo lên ngồi trên cả những pho tượng…

Chiếu bạt (ảnh lớn) và những hàng ghế (ảnh nhỏ) được xí phần từ rất sớm để bán lại cho du khách xem pháo hoa.
Những hàng ghế được xí phần từ rất sớm để bán lại cho du khách xem pháo hoa.

Trên bờ là vậy, dưới nước cũng không kém phần bát nháo. Công tác bảo đảm an ninh trật tự trên đường sông được tăng cường tối đa với các lực lượng như bộ đội biên phòng, cảnh sát đường thủy… Nhưng lực lượng này chỉ bảo đảm an ninh trật tự được lúc đầu, cũng là lúc hàng trăm ghe, thuyền từ trên thượng nguồn đổ xuống, áp sát cầu sông Hàn gây mất an toàn cho
cuộc thi.

Trước DIFC 2012 với chủ đề “Sắc màu Đà Nẵng”, thành phố đã ra quân chấn chỉnh nhiều hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch như chặt chém khách, tình trạng ăn xin biến tướng, các hoạt động đánh giày, bán sách báo dạo, bán hàng rong… nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng có môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; người Đà Nẵng thân thiện, mến khách. Hy vọng với việc mạnh tay, quyết liệt của chính quyền, cùng với sự tự giác của người dân, những hình ảnh phản cảm trên sẽ không còn tái diễn trong dịp lễ hội này, để Đà Nẵng xứng đáng là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.