.

Gìn giữ nhà cổ ở Đà Nẵng

.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Đà Nẵng có khoảng 100 ngôi nhà cổ các loại, hầu hết tập trung ở các xã của huyện Hòa Vang. Những ngôi nhà trên 100 năm tuổi này vẫn giữ được dáng vóc, nét cổ xưa trong không gian yên bình của làng quê.

Vẻ bình yên của nhà cổ Tích Thiện Đường.
Vẻ bình yên của nhà cổ Tích Thiện Đường.

Vẹn nguyên nếp nhà

Theo lời giới thiệu của một cán bộ văn hóa huyện Hòa Vang, chúng tôi tìm đến ngôi nhà cổ nổi tiếng Tích Thiện Đường của gia đình ông Đỗ Hữu Minh (thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn). Gia chủ cho biết, ngôi nhà đã hơn 200 năm tuổi. Năm xưa, cụ cố ông cùng những người thợ mộc Kim Bồng đã dày công xây dựng suốt 3 năm ròng. Nằm trong khuôn viên rộng hơn 3.000m2, ngôi nhà có chiều dài 14m, chiều rộng 10m, được thiết kế kiểu ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương. 36 cây cột được làm bằng gỗ mít lâu năm, theo thời gian nay đã lên nước màu nâu, hệ thống kèo, đà được chạm trổ hoa văn họa tiết kiểu cổ xưa, tinh xảo. Gia đình vẫn giữ được nhiều vật dụng trong sinh hoạt như: sập gụ, hòm rương, cối xay bằng tre, cối giã gạo, gàu dai, gàu sòng, nhủi cá, cái nơm, áo tơi... Để phục dựng những nét cổ đúng với tuổi và quy mô ngôi nhà, gia chủ còn dày công dựng thêm không gian sân vườn với đầy đủ cây cối, non bộ hữu tình sơn thủy… Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ ông Minh, ở tuổi 80 nhưng vẫn rất minh mẫn. Khi có khách đến, bà đon đả mời nước, mời cơm, rồi giới thiệu tên tuổi từ gốc cây ngoài vườn đến mỗi vật dụng trong nhà… Ai cũng bảo, bà Huệ sống lâu, sống khỏe một phần cũng nhờ không gian yên bình, thoáng đãng này.

Không giống Tích Thiện Đường, ngôi nhà cổ của cụ Lê Thử, con trai của nhà nho yêu nước Lê Quang Vỹ (thôn Quan Nam, xã Hòa Liên) hiện lưu giữ hơn 100 đầu sách cổ quý như Từ điển Khang Hy, Mạch huyết ca, các phương thang mạch lý, y lý, sách ghi kinh nghiệm hành nghề của các tiền y, nhiều tập truyện cổ bằng chữ Hán... được viết trên giấy dó. Đây là số sách còn lại trong hàng trăm cuốn sách do tổ tiên gia đình ông để lại. Ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc ba gian, bốn chái, lợp ngói âm dương. Nhà có 4 hàng cột theo hướng lồng nhất, lồng nhì, lồng ba; kèo tam đoạn, có chạm khắc uốn lượn rất tinh xảo. Cụ Thử cho biết, tại ngôi nhà này, cụ nho Vỹ đã từng dạy chữ Nho, chữ Quốc ngữ cho nhiều thế hệ học trò hiếu học trong làng.

Còn mãi với thời gian?

Từ năm 2006 đến nay, với 2 lần tu sửa lớn, ước tính gia đình bà Huệ tốn gần 200 triệu đồng để giữ gìn Tích Thiện Đường như ngày nay. Đó cũng nhờ ông Minh và bà con trong họ ăn nên làm ra cùng góp công góp của, chứ chỉ nhờ mấy sào ruộng thì chắc bây giờ, ngôi nhà đã hoang phế bởi chiến tranh, thời gian, mưa nắng…

Điều đáng quan tâm là ở Hòa Vang, không phải ngôi nhà cổ nào cũng có điều kiện được duy tu thường xuyên như Tích Thiện Đường. Phần vì thiếu kinh phí, phần do thiếu hiểu biết, có nhà đã hư hại xuống cấp, sửa chữa một cách chắp vá, có nhà “bị” làm mới, có nhà bị đem bán… Chẳng hạn, ngôi nhà cổ kiểu “tam gian tứ vị” của bà Đặng Thị Túy Phong (thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong), từng được vua Bảo Đại sắc phong Tứ Đại Đồng Đường từ trước năm 1945, sau nhiều nỗ lực của gia đình, vẫn giữ nguyên vẹn toàn bộ khung gỗ bên trong, chỗ thờ tự cũng như các vật dụng của tổ tiên để lại. Tuy nhiên, cách đây mấy năm, vì mái ngói quá dột nát, để tiết kiệm kinh phí lại thi công nhanh gọn, gia đình quyết định lợp tôn đỏ thay vì ngói Hội An, sàn gạch xuống cấp thì được thay bằng đá hoa, tường quét vôi xanh, trắng... Bà Phong cho biết, nhiều khách đến tham quan đều tỏ ý tiếc nuối vì kiểu nửa cổ nửa kim của ngôi nhà. Gia đình cũng tiếc nhưng “lực bất tòng tâm”, bởi sau nhiều lần họp bàn, kinh phí để phục dựng vẻ nguyên trạng của ngôi nhà nằm ngoài khả năng của một gia đình thuần nông như nhà bà.

Đến thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong, chúng tôi chứng kiến vẻ hoang phế, tàn tạ của ngôi nhà gần 200 năm tuổi của anh Đoàn Công Thương. Anh Thương cho biết, các con anh là thế hệ thứ 5 sống trong ngôi nhà này. Còn nhớ trước khi mất, cha anh căn dặn: “Làm gì thì làm, các con phải giữ lại được nhà vì đó là công sức, xương máu của tổ tiên”. Một mẹ già đang bệnh, các con tuổi ăn tuổi học, vợ chồng anh làm lụng quần quật quanh năm suốt tháng chỉ mong đủ cái ăn, cái mặc. Nhớ đến lời cha, anh Thương cũng chỉ biết ngậm ngùi…

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang cho biết: “Hiện ở Hòa Vang, số nhà cổ trên trăm năm tuổi trên dưới 100 cái, nhưng việc giữ gìn, tôn tạo phần lớn do gia đình, dòng họ. Những năm qua, ngành Văn hóa huyện tiến hành kiểm kê trình thành phố, nhưng rồi chỉ biết chờ kinh phí”. “Hiện Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng đang cùng đoàn cán bộ nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát tổng thể di sản khảo cổ học của Đà Nẵng, trong đó có nhà cổ và bắt đầu ở huyện Hòa Vang. Sau khi điều tra, khảo sát, chúng tôi sẽ xác định giá trị của từng loại hình di sản văn hóa, nhằm bảo tồn di sản văn hóa cũng như xây dựng các dự án du lịch… Dự kiến, đợt điều tra khảo cổ học sẽ kéo dài đến hết tháng 3-2012, khi đó mới có câu trả lời xác đáng”, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng cho hay.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.