.
GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG MùNG 10 THÁNG 3 (âm lịch)

Tự hào nguồn cội

.

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Hầu hết người Việt Nam đều nhớ lời nhắc nhở này và nao nao cảm thức cội nguồn mỗi khi đến mồng 10-3.

Một góc Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010.         		                                                Ảnh: V.NỞ
Một góc Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010.                                                           Ảnh: V.NỞ

Thiêng liêng Lễ hội đền Hùng

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2012 do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì diễn ra từ ngày 5-3 đến ngày 10-3 âm lịch (tức từ ngày 26-3 đến ngày 31-3-2012) tại thành phố Việt Trì và các xã vùng ven, trong đó trọng tâm là Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Điểm mới đáng chú ý tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay là lễ rước kiệu trang nghiêm của 6 xã vùng ven về Khu di tích lịch sử Đền Hùng có sự tham dự của các đoàn ngoại giao, đại diện UNESCO tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Bên cạnh đó, nhằm quảng bá hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong suốt những ngày lễ hội, sẽ liên tục diễn ra nhiều điểm hát Xoan tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và ở các phường Xoan gốc… nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa Thời đại Hùng Vương. Dịp này, UBND tỉnh Phú Thọ cũng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; đồng thời, xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì trở thành Trung tâm Văn hóa - lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Du khách đến với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2012 và chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” được tham gia nhiều hoạt động như: đánh trống đồng, múa sư tử, hát Xoan; nấu bánh chưng, giã bánh dầy; giải bơi chải trên sông Lô; giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh Cúp Hùng Vương…

Bên cạnh đó, với sự tham gia của 800 diễn viên chuyên nghiệp thuộc các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương, các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức với quy mô rộng khắp từ thành phố Việt Trì cho đến Trung tâm Lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận, gắn với chương trình “Du lịch về cội nguồn” 3 tỉnh Phú Thọ - Lào Cai - Yên Bái như: hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của các huyện, thành; trình diễn diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc tỉnh Phú Thọ; biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh; chiếu phim màn ảnh rộng; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy; bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc, bắn nỏ…

Đà Nẵng hướng về đất Tổ

Cùng với 3 tỉnh, thành phố khác trong cả nước là Điện Biên, Nghệ An, Hải Phòng, trong vai trò mới là thành phần của Ban tổ chức, đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng sẽ dâng hương và cung tiến lễ vật lên các vua Hùng. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố - một trong những đại diện của Đà Nẵng ra đất Tổ lần này xúc động nói: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi về đất Tổ, nhưng năm nay với tư cách là một trong những đại biểu đại diện cho Đà Nẵng, đại diện cho cộng đồng địa phương mình trong hành trình về nguồn, chuyến đi mang tâm thế khác, vinh dự tự hào nhân lên, cảm xúc thật khó tả… Đặc sản bánh khô mè chúng tôi mang theo dù không nặng về giá trị vật chất, nhưng đó là tấm lòng thơm thảo của những người con Đà Nẵng thành kính dâng tổ tiên”. Bên cạnh đó, cùng cả nước hướng về đất Tổ và để  bảo đảm tính thiêng liêng của ngày đại lễ, trong ngày 10-3 âm lịch (tức ngày 31-3), toàn thành phố Đà Nẵng, từ các cơ quan, đơn vị đến hộ dân và cả các đoàn tàu neo đậu trên sông Hàn đều treo cờ Tổ quốc.

Tại các địa bàn vùng ven Đà Nẵng, người dân vẫn có truyền thống làm lễ giỗ Tổ bằng nhiều hình thức, quy mô khác nhau trước, trong và sau ngày diễn ra đại lễ. Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, cứ 3 năm một lần, huyện Hòa Vang đều long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ. Năm nay, chưa đến chu kỳ thực hiện lễ Giỗ cấp huyện, nhưng hầu hết tại các đình làng, miếu thờ thuộc các xã trên địa bàn huyện đều thực hiện lễ tế với quy mô lớn nhỏ khác nhau, thời gian cũng có thể linh động tùy vào nông vụ. Thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu), đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang)… là những địa chỉ có truyền thống về làm lễ giỗ Tổ. Ông Dũng lý giải, truyền thống thờ vua Hùng gắn liền với thờ cúng tổ tiên có từ lâu đời ở mỗi gia đình Việt Nam, nên ngày Giỗ Tổ cũng là dịp để con, cháu các tộc họ ở Đà Nẵng làm lễ giỗ chạp, tu bổ lăng mộ ông bà, tổ tông, sum họp gia đình…

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.