.

Mặt nạ tuồng khắc họa nhân vật

.

NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế đam mê sưu tầm và nghiên cứu về mặt nạ tuồng gần 30 năm để tìm hiểu về nét đẹp của bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
 

Trong nghệ thuật tuồng, cách hóa trang nhân vật thường giống đeo mặt nạ (nghĩa là màu trắng thật trắng, màu đỏ thật đỏ, màu đen thật đen).
Trong nghệ thuật tuồng, cách hóa trang nhân vật thường giống đeo mặt nạ (nghĩa là màu trắng thật trắng, màu đỏ thật đỏ, màu đen thật đen).

Trong sân khấu kịch hát Việt Nam như chèo, cải lương, dân ca kịch, cách hóa trang các nhân vật không xa với cuộc sống. Nhưng trong nghệ thuật tuồng, trừ các nhân vật mang mặt trắng, nghệ thuật tuồng đã cách điệu các nhân vật mang mặt rằn khác hẳn cuộc sống. Việc hóa trang trong tuồng được gọi là dặm mặt, kéo mặt hoặc kẻ mặt… vì nhân vật giống như đeo mặt nạ, nghĩa là gương mặt có màu trắng thì thật trắng, màu đỏ thật đỏ, màu đen thật đen… Còn nhân vật kẻ mặt rằn như kép xéo, tướng, lão, yêu… đều dùng cách dặm, kéo hoặc kẻ mặt.

Theo NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế, mặt tuồng có nhiều điểm giống các bộ môn sân khấu khác nhưng cũng có những điểm khác cơ bản. Với bộ môn sân khấu khác, khán giả không thể đoán ngay một nhân vật thuộc loại người nào, mà phải đợi thông qua hành động, một lớp, một hồi, một màn, có khi đến hết vở diễn mới xác định được. Trái lại, trong tuồng, khi nhân vật bước ra sân khấu lần đầu tiên thì khán giả hiểu ngay loại người nào, trung hay nịnh, thiện hay ác, tốt hay xấu, nóng nảy, cộc cằn hay hiền lành, đức độ… Nhân vật trong tuồng không để khán giả mất thời gian suy đoán vì đây là loại hình nghệ thuật thuộc dòng sân khấu biểu hiện. Muốn thực hiện được điều đó, người diễn viên phải biết vận dụng các yếu tố như ngôn ngữ, giọng nói, động tác hình thể, hóa trang của nghệ thuật tuồng để giới thiệu một cách nhanh chóng tính cách của nhân vật mà mình đang đóng. Cách kẻ mặt nhân vật là yếu tố quan trọng của nghệ thuật tuồng để thể hiện điều đó.

Sự giống nhau và khác nhau giữa cách kẻ mặt nạ các nhân vật của nghệ thuật tuồng ở 3 miền cũng đã được NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng. Theo ông, cách kẻ mặt nạ tuồng cơ bản ở các miền đều giống nhau, nhưng khi đi sâu nghiên cứu cho thấy có những chi tiết nhỏ khác nhau. Chẳng hạn, nhân vật Đổng Kim Lân, tuồng miền Trung (vở San hậu) đắp mặt đỏ tươi thì tuồng miền Nam và tuồng miền Bắc cũng đắp mặt đỏ tươi; nhân vật Phàn Diệm, tuồng miền Trung kẻ mặt tròng xéo đỏ thì tuồng miền Nam và tuồng miền Bắc cũng kẻ tròng xéo đỏ; nhân vật Tạ Ôn Đình, tuồng miền Trung kẻ mày rô thì tuồng miền Nam và tuồng miền Bắc cũng kẻ mày rô… Bên cạnh đó, trong cách kẻ mặt nhân vật của nghệ thuật tuồng, do sự hiểu biết của các nghệ sĩ khác nhau nên việc kế thừa và phát triển cũng khác nhau, có lúc đúng và có lúc sai. Khi có một vở mới, xuất hiện một số nhân vật mới, các nghệ sĩ am hiểu về nghệ thuật tuồng thường lấy mẫu mặt nhân vật đã có, phù hợp với tính cách nhân vật mình đang đóng để kẻ. Cũng có khi dựa vào những mẫu mặt đã có để tạo ra mẫu mặt mới phù hợp hơn với tính cách nhân vật.

Điều mà NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế quan tâm là trước đây, nhờ tổ chức nghiên cứu, khai thác một số trích đoạn, một số vở tuồng truyền thống như: San Hậu, Ngọn lửa Hồng Sơn, Dương Chấn Tử, Võ Hùng Vương… nên các nghệ sĩ đã khai thác được một số mẫu mặt của các nhân vật được các bậc thầy truyền lại. Tiếc là còn rất nhiều mẫu mặt nhân vật trong các vở tuồng khác chưa được khai thác, đến nay đã mai một do những nghệ sĩ bậc thầy đã lần lượt qua đời. Vì vậy, khi cần khai thác một vở tuồng truyền thống, diễn viên lúng túng không biết kẻ mặt nhân vật như thế nào, nên dẫn đến tình trạng kẻ tùy tiện, không theo nguyên tắc nào. Mặt tuồng - linh hồn của từng nhân vật đang bị mai một dần theo thời gian.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.