.

Nét mới ở vườn tượng bên bờ sông Hàn

.

Hoạt động văn hóa phụ trợ cho cuộc thi trình diễn pháo quốc tế Đà Nẵng (DIFC) hằng năm thường diễn ra sớm nhất, kéo dài lâu nhất là không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của làng đá mỹ nghệ Non Nước (Ngũ Hành Sơn) tại bờ Tây sông Hàn.
 

Du khách chụp hình lưu niệm tại vườn tượng bên bờ sông Hàn.
Du khách chụp hình lưu niệm tại vườn tượng bên bờ sông Hàn.

Các sản phẩm của làng đá mỹ nghệ Non Nước là sản phẩm du lịch đặc trưng, có từ lâu đời ở Đà Nẵng. Từ làng nghề truyền thống nhỏ, các sản phẩm của làng đá Non Nước đến nay đã có mặt khắp năm châu, mang thương hiệu Đà Nẵng - Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Trong 4 mùa lễ hội pháo hoa, thành phố đều dành một không gian lý tưởng bên bờ Tây sông Hàn để triển lãm nghệ thuật sắp đặt đá Non Nước.

Năm nay, 2 cơ sở lớn của làng nghề đá truyền thống Non Nước là Tiến Hiếu và Nguyễn Hùng được chọn để thực hiện việc trưng bày với quy mô hoành tráng, phong phú hơn năm trước. Hai cơ sở này đã hoán đổi hơn 80% trong số 200 bức tượng đặc sắc nhất của mình để tô điểm thêm cho dòng sông Hàn thơ mộng trong dịp DIFC. Đó là những hình tượng Phật, thiếu nữ, rồng cách điệu và dòng tượng trang trí… Anh Phạm Tiến, chủ cơ sở Tiến Hiếu cho biết: “DIFC là một trong những cơ hội tốt để quảng bá làng nghề đá Non Nước đến với du khách trong và ngoài nước. Được trưng bày, giới thiệu, phục vụ du khách hằng năm không chỉ là niềm tự hào của bản thân tôi mà còn là niềm vui và tự hào của cả làng đá mỹ nghệ Non Nước”.

Trong số các tác phẩm mới được trưng bày, hình tượng Rồng được xem là hoành tráng nhất. Tác phẩm này những người thợ làng đá Non Nước thực hiện trong nhiều tháng với những họa tiết tinh xảo. Tượng cao hơn 1,2m, dài 3m, nặng hơn 2 tấn, được đặt uy nghi ngay lối vào khu trưng bày. Đi kèm với hình tượng Rồng là Lân, Quy, Phụng được chạm trổ rất công phu. Bên cạnh đó, tượng Phật Di Lặc cũng được đặt trang trọng, đem sự may mắn, niềm vui và sự thành đạt cho mọi người.

Đến với vườn tượng bên bờ sông Hàn năm nay, du khách còn thả hồn bay bổng cùng những tuyệt tác của vườn tượng Nguyễn Hùng với nhiều tác phẩm mới như hình ảnh bồ câu trắng bay trong không gian thơ mộng, thể hiện sự thanh bình, no ấm và mang thông điệp hòa bình. Ngoài ra, du khách còn thưởng lãm hàng trăm tác phẩm khác như hình ảnh 3 thiếu nữ trong trang phục truyền thống 3 miền Bắc, Trung, Nam; tượng thiếu nữ, lân, sư, rồng, cá, chim, trâu... làm từ cẩm thạch trắng, cẩm thạch đỏ, sa thạch… được chạm trổ rất công phu. Anh P.Thành, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Không gian trưng bày điêu khắc với sản phẩm làng đá Non Nước đã để lại trong tôi và bạn bè rất nhiều ấn tượng”.

Không gian triển lãm nghệ thuật sắp đặt đá Non Nước do 2 cơ sở Tiến Hiếu và Nguyễn Hùng thực hiện đến nay đã hoàn tất, sẵn sàng phục vụ nhân dân cùng du khách trong dịp DIFC 2012. Tuy cuộc thi chưa diễn ra, nhưng trong những ngày qua, hàng trăm du khách đã đến chiêm ngưỡng, chụp hình lưu niệm và ngẩn ngơ cùng những tuyệt tác đến từ làng nghề truyền thống của quê hương Đà Nẵng.

Bài và ảnh: KHAN HUY

;
.
.
.
.
.