.
NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG

Thiếu nguồn kế cận

.

Nghệ thuật truyền thống ở Đà Nẵng như tuồng, dân ca, dân ca bài chòi... đang thiếu lực lượng kế cận. Hiện không nhiều người trẻ mặn mà với các loại hình nghệ thuật này.

Trích đoạn Thị Kính, Thị Mầu của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Trích đoạn Thị Kính, Thị Mầu của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Môn nào cũng thiếu

Tuồng là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống điển hình của Đà Nẵng. Nhưng thực tế, đội ngũ đạo diễn, diễn viên tuồng đang già hóa. Ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, từ năm 2005, Nhà hát tuyển được 11 diễn viên từ khóa đào tạo cao đẳng diễn viên, nhạc công tuồng năm 2002-2005. Từ đó đến nay, không có thêm lớp đào tạo diễn viên, nhạc công nào vì lượng biên chế không cho phép. Hiện Nhà hát có 41 diễn viên và nhạc công, nhưng chỉ một trường hợp dưới 30 tuổi (mới chuyển từ Huế vào). “Lực lượng nghiên cứu phê bình sân khấu tuồng ngày càng bị bó hẹp do thiếu sự kế thừa của thế hệ trẻ. Các vở tuồng thành công thường được dựng theo kịch bản tuồng cổ, rất hiếm kịch bản mới của người trẻ...”, NSƯT, đạo diễn, Trưởng đoàn biểu diễn Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Ngô Đình Liên trăn trở.

Không chỉ tuồng, bài chòi cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ trẻ kế cận. Hiện Đà Nẵng là 1 trong 8 tỉnh, thành ở khu vực Nam Trung Bộ được Bộ VH-TT&DL đề nghị khẩn trương làm công tác kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể đối với nghệ thuật bài chòi. Theo nhạc sĩ Trần Hồng, Chi hội trưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật sân khấu Đà Nẵng - người chuyên nghiên cứu các loại hình nghệ thuật truyền thống xứ Quảng, đây là tin vui nhưng cũng là áp lực rất lớn. Bởi lẽ, khi đoàn Dân ca kịch (Quảng Nam-Đà Nẵng) được đưa về tỉnh Quảng Nam thì hiện tại, Đà Nẵng chưa có đội dân ca nói chung, dân ca bài chòi nói riêng nào thật sự chuyên nghiệp. Việc tìm kiếm lực lượng trẻ theo hát bài chòi một cách quy chuẩn, bài bản ngày càng khó khăn.

“Nếu bài chòi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, nhưng chúng ta không có biện pháp dài hơi, hiệu quả trong việc kế thừa, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này, đặc biệt là đào tạo lực lượng kế cận, thì sớm muộn nó cũng sẽ bị mai một”, nhạc sĩ Trần Hồng ưu tư.

Cần kế hoạch dài hơi

Thiếu nguồn lực kế cận cho các loại hình nghệ thuật truyền thống là vấn đề không riêng Đà Nẵng. Một số diễn viên trẻ chấp nhận theo đuổi sân khấu truyền thống vì đam mê, dù không sống được bằng nghề, nhưng những người tâm huyết như thế không nhiều. Chế độ đãi ngộ thấp khiến đội ngũ làm nghề trẻ vắng bóng. Khi đời sống không được bảo đảm thì thật khó để họ dành hết tâm huyết cho nghệ thuật.

Việc người trẻ không mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống là một trong những lý do khiến công tác đào tạo các môn nghệ thuật truyền thống của Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, học sinh đăng ký thi và đậu học vào những ngành nghệ thuật truyền thống rất ít, một số ngành phải bỏ. Ngành đang còn tồn tại như đàn tranh, đàn bầu thì mỗi khóa chỉ có từ 2-3 học sinh. Ngoài ra, không ít người được tuyển vào các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống vì “bí thế” và ít hiểu biết về các loại hình nghệ thuật này, trình độ học vấn trung bình, chưa thật sự yêu thích, gắn bó với nghề nên ngày càng hiếm xuất hiện tài năng.

Lãnh đạo Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng thừa nhận: Chất lượng biểu diễn của lực lượng diễn viên, nhạc công Nhà hát chưa thật bảo đảm, nhưng Ban Giám đốc không có cách nào khác vì không có đội ngũ thay thế. Theo ông Trần Ngọc Tuấn: “Để tạo đội ngũ kế cận cho nghệ thuật tuồng nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng, cần có sự đào tạo ngay từ khi các em còn nhỏ. Đặc biệt, phải có cách tuyển mới khi các em vừa tốt nghiệp cấp 2 bởi tuổi từ 15-18 là lứa tuổi phát triển năng khiếu mạnh mẽ nhất”. Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, cần kết hợp hỗ trợ tiền ăn học, chỗ ở tại chỗ để phụ huynh an tâm cho con em đi học lúc còn nhỏ; giải quyết đầu ra đối với những người theo học các loại hình nghệ thuật truyền thống...

Kết luận sau cuộc họp nghe Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch báo cáo Đề án “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa giai đoạn 2012-2015” vào đầu tháng 2 vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý rằng, cần tập trung đào tạo diễn viên, nhạc công cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Sở VH-TT&DL lập kế hoạch đào tạo chuyển sang Sở Nội vụ để đưa vào kế hoạch chung của thành phố. Đặc biệt, cần giải trình rõ kinh phí hỗ trợ chỗ ở và sinh hoạt phí cho các học viên đào tạo cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

THANH TÂN - PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.